* Nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam: một nhu cầu thực tế hay một giả vấn đề? (Kỳ 1)
* Nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam: một nhu cầu thực tế hay một giả vấn đề? (Kỳ 2)
* Nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam: một nhu cầu thực tế hay một giả vấn đề? (Kỳ 3)
* Nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam : Một nhu cầu thực tế hay một giả vấn đề? (Kỳ 4)
Từ quan niệm, cách tiếp cận của Chủ nghĩa hậu thực dân, trên phương diện nhất định cần thừa nhận quan niệm, cách tiếp cận đó ít nhiều mang tính nhân văn. Vì nếu một mặt là sự chia sẻ với những số phận bị áp bức, thì mặt khác có thể giúp điều chỉnh quan niệm và tạo dựng sự bình đẳng giữa văn hóa phương Tây với văn hóa phương Đông; đồng thời hạn chế sự phóng chiếu tư tưởng “nước lớn” và tham vọng áp đặt văn hóa. Nhưng dường như một số tác giả theo Chủ nghĩa hậu thực dân ở Việt Nam lại rẽ theo hướng khác? Họ “kiễng chân” ngóng theo Chủ nghĩa hậu thực dân để euréka ra các số phận ở “bên lề” và “ngoại vi” trên một xứ sở không ai bị áp bức, bóc lột. Họ đề nghị “ngoại vi hóa” và “giải trung tâm” trên một đất nước mà sự hướng tâm nhằm tạo nên tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa đang là tất yếu khách quan. Họ hoan hỉ với việc du nhập các lý thuyết mới và qua sự hoan hỉ đó, họ như muốn bổ sung cứ liệu để các tác giả của Chủ nghĩa hậu thực dân nối dài danh sách “tín đồ tôn giáo dĩ Tây vitâm”; hay họ muốn đặt bút ký vào cái “thỏa thuận ngầm rằng thế giới thứ ba phải biết ơn vì những món nợ đắt đỏ mà nó đã nhận từ phương Tây”! Hiện tượng đó liệu có phải là dấu hiệu đáng khuyến khích?
7. Với tư cách là sự phản ánh khái quát các sự vật, hiện tượng của hiện thực và các mối liên hệ giữa chúng, một khái niệm khoa học bao giờ cũng thuộc về khoa học nào đó và phải được xác định nội hàm. Dẫu các sự vật, hiện tượng luôn ở trong xu hướng vận động phát triển nên không thể “nhốt các khái niệm vào cái khung bất biến” thì khi vay mượn hay thay đổi nội hàm một khái niệm, người nghiên cứu vẫn phải giới thuyết về thao tác vay mượn và thay đổi. Cho nên, khó có thể không hồ nghi việc một số tác giả sử dụng khái niệm “bên lề”, “kẻ khác”, “ngoại vi”, “trung tâm” của Chủ nghĩa hậu thực dân như các nội hàm vốn có? Mặc nhiên sử dụng “kẻ khác”, “bên lề”, “ngoại vi”, “trung tâm” làm khái niệm công cụ và thoát ly (hoặc cố ý phớt lờ, bỏ qua?) bối cảnh chính trị - xã hội - văn hóa từ đó Chủ nghĩa hậu thực dân ra đời, chính là cưỡng bức bối cảnh, thực tế diễn tiến văn học Việt Nam sau khi dân tộc giành lại độc lập, và xây dựng xã hội mới. Hơn nữa, liệu có thể coi việc sử dụng các khái niệm của Chủ nghĩa hậu thực dân để soi chiếu vào văn học Việt Nam nhưng không đếm xỉa tới nội lực văn hóa dân tộc và sự trưởng thành văn hóa trong quá trình tiếp biến văn hóa - văn minh với phương Tây đã góp phần làm hình thành động năng và sự chủ động trong quá trình phi thực dân hóa ở Việt Nam là dấu hiệu của “thói vong bản”? Xét đến cùng, có thể coi việc sử dụng các khái niệm “bên lề, ngoại vi” của Chủ nghĩa hậu thực dân để nghiên cứu văn học Việt Nam về thực chất là nhằm hợp thức hóa một số hiện tượng được gán nhãn văn học? Bởi, nếu bối cảnh hậu thực dân là cơ sở nảy sinh tâm thức hậu thực dân, tâm thức hậu thực dân là yếu tố nền tảng cho sự ra đời tác phẩm văn học hậu thực dân,… thì khi ở Việt Nam không có bối cảnh hậu thực dân, không có tâm thức hậu thực dân,… mà đặt ra và nghiên cứu “văn học hậu thực dân ở Việt Nam” là hoàn toàn có thể đẩy tới việc xuyên tạc thực tế văn học.
Về điều này, nên tham khảo ý kiến PGS TS Trần Nho Thìn khi bàn về điều mà trước đó không lâu, ông gọi là “cố gắng hiện đại hóa văn học trung đại”, trong bài Đối thoại liên văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa và vấn đề tiếp nhận lý luận văn học phương Tây ở Việt Nam, ông đã viết: “Lý thuyết tiếp nhận của phương Tây tuy rất sâu sắc, đề cao vai trò của người đọc nhưng liệu có vạn năng để giải thích văn học Việt Nam trung đại ? Chúng tôi cho là cần rất thận trọng về điều này. Vấn đề không chỉ là chân trời đón đợi của người đọc mà cả chân trời đón đợi của tác giả, người tạo nên văn bản. Nếu người đọc có thể thuộc về nhiều thế hệ khác nhau, tức là chân trời chờ đợi có thể thay đổi thì chân trời chờ đợi của tác giả văn bản lại không thay đổi, nó là sản phẩm của văn hóa một thời kỳ lịch sử xác định. Nếu không nghiên cứu văn hóa của thời kỳ này, mọi sự tiếp nhận của người đọc trở nên méo mó, bị xuyên tạc. Thực tế là ngày nay, người ta đã gán cho thơ Hồ Xuân Hương những giá trị thẩm mỹ mà chân trời chờ đợi của một phụ nữ Việt Nam trong vòng vây văn hóa Nho giáo cách nay hai thế kỷ không thể có được”(17).
Với việc vận dụng chủ nghĩa hậu thực dân để nghiên cứu văn học Việt Nam đương đại, xin dẫn ý kiến của Phạm Chi: “Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh thông qua sự không tương thích của chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam rằng: chủ nghĩa hậu thực dân là sản phẩm tri thức của nền kinh tế chính trị phương Tây, nó sinh ra trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể; nó không phải là một công cụ vạn năng mang tính toàn cầu. Sự không tương thích của chủ nghĩa hậu thực dân trong điều kiện Việt Nam có thể gợi cho các nhà lập thuyết phương Tây cơ hội chỉnh sửa học thuyết của mình và mở ra cho một số nhà nghiên cứu Việt Nam cơ hội phá bỏ tâm lí nhược tiểu của mình: sự tiếp nhận cần mang tính phê phán và chọn lọc. Đặc biệt, theo quan điểm của tôi, sự tiếp nhận các chủ thuyết nước ngoài, cần thiết nằm trong hệ quy chiếu và cần thiết phục vụ cho chủ nghĩa dân tộc”(18). Như đã dẫn ở phần đầu, điều thú vị là tác giả Nguyễn Thị Tịnh Thy cũng đã chỉ rõ: “một số nhà nghiên cứu thường chọn một lý thuyết lý luận mới (càng mới, càng thời thượng càng tốt!) mà mình thích hoặc am hiểu, sau đó áp đặt chứ không phải là ứng dụng vào nghiên cứu tác phẩm văn học, không hề quan tâm tới sự tương thích của lý thuyết với thực tiễn văn học”. Vì thế theo tôi, nghiên cứu Chủ nghĩa hậu thực dân trong văn học Việt Nam chỉ là một giả vấn đề, là cơ sở giúp một số tác giả đánh tráo khái niệm để biện hộ cho sản phẩm của một số cá nhân. Và như thế, “tuổi thọ” của hướng nghiên cứu này là rất ngắn hạn, khi niềm phấn hứng qua đi thì tinh thần nghiên cứu từ Chủ nghĩa hậu thực dân cũng sẽ suy giảm theo!
Ngày 7-8-2013 trang điện tử của Tia sáng đăng bài Thế hệ, ý hệ và vấn đề thực hành phê bình văn học. Bài viết toát lên luận điểm cho rằng các “nhà phê bình trẻ” có điều kiện tiếp nhận lý thuyết mới nên tư duy cùng sự phát triển, còn các “nhà phê bình không trẻ” vì không tư duy cùng với sự phát triển, “từ chối một số lý thuyết như là một thành tựu của tư duy loài người” nên “gia trưởng áp đặt”. Tác giả này viết: “sự tiếp biến các lý thuyết phê bình văn học mới và việc lựa chọn các đối tượng nghiên cứu mới làm thành sự khác biệt của phê bình trẻ, nguyên nhân của các bất đồng ngôn ngữ phê bình khi một bộ phận của thế hệ phê bình đi trước mang quan điểm gia trưởng để phán xét nó” và “phản ứng gần đây của một số nhà phê bình về việc du nhập các lý thuyết mới, như những lý thuyết phi marxist, những lý thuyết đương đại phản tư nhất thể hóa và hợp thức hóa quyền lực và tri thức, những lý thuyết khẳng định vị thế và sự can thiệp của trí thức đối với xã hội và quốc gia - dân tộc,… đặt ra một số vấn đề ý hệ đáng chú ý. Tại sao chủ yếu những tiếng nói lên án lại xuất phát từ thế hệ phê bình không trẻ? Tại sao một số vấn đề mang tính toàn cầu lại được cho là không xuất hiện ở Việt Nam? Tại sao lại từ chối một số lý thuyết như là một thành tựu của tư duy loài người, giúp loài người hiểu sâu sắc hơn thực tại và chính bản thân?...
Có một thực tế là, có một bộ phận không nhỏ các nhà phê bình đã không tư duy cùng với sự phát triển. Quan điểm gia trưởng khiến họ áp đặt cái nhìn của bản thân cho các thực hành phê bình khác, từ khuyên nhủ, đến từ chối, thậm chí phủ nhận, lên án và quy chụp. Vẫn biết, thiết chế luôn lựa chọn tri thức hợp thức cho nó, nhưng không vì thế mà được áp đặt và/hoặc triệt tiêu các tri thức khác”. Ý kiến này không có gì mới. Mỗi khi từ gia đình đến xã hội xuất hiện sự sai chênh quan niệm giữa “trẻ” với “già” về một sự kiện, vấn đề nào đó, thì với tất cả sự bồng bột và tự tin của mình, một số người trẻ thường phản ứng như vậy. Trong phê bình văn học cũng thế, câu chuyện “trẻ” và “già” chỉ là một cách thức để một số người lẩn tránh điều căn cốt của lĩnh vực này là bài (công trình) phê bình có định tính một cách sâu sắc về giá trị tư tưởng - thẩm mỹ của đối tượng, có khả năng thuyết phục đồng nghiệp, công chúng, có đưa ra gợi ý hữu ích với người sáng tác hay không,… Năng lực và khả năng tác động tới người đọc của người viết phê bình không chỉ được xác định vì người ấy tiếp xúc với thế giới rộng hơn, biết nhiều lý thuyết phương Tây hơn, mà là tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Vì vậy, vấn đề không phụ thuộc vào việc nhà phê bình theo kịp thời đại, lẽo đẽo chạy theo thời đại, hay tiếp nhận lý thuyết tân tiến hơn sẽ làm việc hiệu quả hơn,… mà phụ thuộc vào khả năng nắm bắt lý thuyết, vận dụng lý thuyết, năng lực cảm thụ,… Đặc biệt, dẫu thế nào thì nhà phê bình vẫn cần coi trọng các tiêu chí văn hóa.
Về hình thức, văn hóa một quốc gia - dân tộc nào đó ở phương Tây rất đa dạng, như là kết quả của tinh thần tự do, phóng khoáng, đa nguyên; song trong bản chất, lại luôn chứa đựng yếu tố có tính chất nhất nguyên giữ vai trò chủ đạo và chi phối, để có thể định tính và phân biệt đó là văn hóa Mỹ chứ không phải là văn hóa México, là văn hóa Anh chứ không phải văn hóa Pháp,… Hơn nữa, không phải bất kỳ sản phẩm nào do con người làm ra đều sẽ là sản phẩm văn hóa, mà phải trải qua quá trình đánh giá, sàng lọc, lựa chọn của cộng đồng. Tự tin là một phẩm chất quý giá, nhưng tự tin đến đâu thì cũng cần tỉnh táo để không đẩy mình vào tình thế “đi ngược lại logic khoa học, không xuất phát từ yêu cầu tự thân của đối tượng nghiên cứu”. Vả lại, như với Chủ nghĩa hậu thực dân, đâu chỉ một số “nhà phê bình già” phản biện việc du nhập, sử dụng trong nghiên cứu, phê bình văn học mà ngay cả Phạm Chi, Nguyễn Thị Tịnh Thy, họ đâu đã “già” để úp lên họ hai chữ “gia trưởng”! Liên quan đến câu chuyện trẻ - già trong bài Tiếp nhận và vận dụng lý luận trong nghiên cứu văn học hiện nay , nhà phê bình Vương Trí Nhàn có ý kiến xác đáng: “Tôi có cảm tưởng nhiều bạn trẻ đang tập tành thành nhà nghiên cứu hiện nay muốn đi vào lý luận. Trong khi đó thì cái vốn văn học sử mà các bạn đó có được còn rất mỏng mảnh. Các bạn hình như không biết, hoặc không được ai giảng cho biết, để rồi cố không muốn biết, rằng mọi thứ lý luận đều bắt nguồn từ sự phát triển của văn học, tương tự như mỗi giống cây lớn lên từ một mảnh đất cụ thể. Chẳng hạn, muốn hiểu chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa - kể cả hiểu để từ chối nó và phê phán nó - thì trước tiên phải nắm rất vững văn học xô viết và văn học các nước Đông Âu trước 1989. Hoặc muốn hiểu Bakhtin và thi pháp thì phải đọc cho nát cả ông Đốt lẫn các sách vở viết về Đốt, cũng như có những hiểu biết chính xác về tình trạng của khoa nghiên cứu văn học ở Nga những năm 1930”. Ông viết tiếp: “Lối áp dụng khiên cưỡng nói trên vốn xuất phát từ sự non yếu trong trình độ: Ta biết ít quá, và thấy cái gì cũng hay cũng đẹp, cũng nên học theo. Song chắc cũng không sai nếu bảo ta chưa thoát khỏi những thói quen có tự nhiều đời truyền lại, tức là học lỏm và nhận liều. Trước khi áp dụng lý luận vào thực tế, cần nhớ động cơ không đủ biện minh cho hành động, tâm huyết không làm nên hiệu quả. Và nếu không sợ làm nản lòng nhau, phải nói những điều chúng ta hay mang ra khoe - cái sự tha thiết hết mình của chủ quan nhà nghiên cứu - chỉ có một ý nghĩa rất nhỏ. Ngay cả khi đã có mong muốn chân thành và thái độ nghiêm túc, nếu không có định hướng đúng, người ta vẫn có thể lao mình vào những công việc không mấy triển vọng, hoặc đơn giản hơn là không đáng đặt nhiều kỳ vọng đến thế”(19).
Khi niềm phấn hứng với Chủ nghĩa hậu thực dân đang vào lúc cao trào, tiểu luận này có thể chứa đựng những điều không dễ chấp nhận với một số tác giả. Nếu ai đó có phản biện, hy vọng họ sẽ không dẫn lại A. Césaire , F. Fanon , E. Said, G.C. Spivak, H. Bhabha,… đã nói gì, mà hãy chứng minh Việt Nam có trải qua thời kỳ hậu thực dân như Chủ nghĩa hậu thực dân quan niệm hay không, đâu là các thông số xã hội - kinh tế - văn hóa đủ sức thuyết phục; và việc vận dụng Chủ nghĩa hậu thực dân không phải là ý muốn chủ quan của nhà nghiên cứu, không phải là cưỡng bức, áp đặt bối cảnh xã hội và thực tế văn học, mà là thí dụ hoàn hảo của công việc nghiên cứu từ mối tương thích giữa lý thuyết với thực tiễn văn học!?
NGUYỄN HÒA - 10-2014
-----------------------------------
17. Trần Nho Thìn - Đối thoại liên văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa và vấn đề tiếp nhận lý luận văn học phương Tây ở Việt Nam, đã đăng trên vanhoanghean.com.vn.
18. Phạm Chi - Giải lá bùa “hậu thuộc địa”- phá bỏ tính chất bá quyền của tri thức phương Tây, đã đăng trên phebinhvanhoc.com.vn.
19. Vương Trí Nhàn - Tiếp nhận và vận dụng lý luận trong nghiên cứu văn học hiện nay, đã đăng trên vuongtrinhan.blogspot.com.