Mời chào vay tín chấp, một kiểu lừa mới

20:00:00 28/11/2014
GiadinhNet - Hiện nay trên một số tuyến phố của Hà Nội xuất hiện khá nhiều những lời mời chào vay vốn khá hấp dẫn như: không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập, thủ tục đơn giản vẫn có thể vay đến hàng trăm triệu đồng. Các chuyên gia tài chính khuyến cáo người dân hãy cảnh giác, đó có thể là cái bẫy tín dụng đen hoặc lừa đảo.
Người dân cần cảnh giác với những chiêu trò cho vay mang danh ngân hàng quốc tế. Ảnh: HP

Cầm phí “bôi trơn” rồi… biến mất

Sáng sớm vừa mở cửa nhà, anh Nguyễn Hồng Sơn, công tác tại Công ty máy lọc nước Á Châu (văn phòng ở Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) đã thấy một tờ rơi nhét vào khe cửa từ lúc nào. Tò mò, anh cầm lên đọc, thì ra là: “Chương trình vay tín chấp” với nội dung “Tìm đối tác cán bộ, nhân viên, tiểu thương, cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng (không cần tài sản thế chấp); giải quyết hồ sơ nhanh và bảo mật. Hạn mức cho vay từ 10 - 200 triệu đồng. Thời hạn vay 1-5 năm. Lãi suất 1%/tháng. Điều kiện HKTP/tỉnh/CMND. Liên hệ 0989265… gặp A. Tiến”.

Cuối năm, đang cần vốn làm ăn, lại thấy thủ tục vay đơn giản, không cần tài sản thế chấp nên anh Sơn gọi điện thoại liên hệ. Đầu dây bên kia là giọng nam cho biết tên Tiến, đến từ một công ty tài chính của nước ngoài. Sau khi hỏi địa chỉ cụ thể, ngay buổi trưa, người này hẹn gặp anh Sơn.

Tiến cho biết đây là chương trình vay ưu đãi dành cho người đi làm của ngân hàng quốc tế có chi nhánh ở nhiều nước trên thế giới. Để hồ sơ vay được duyệt sớm thì chỉ cần ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, số CMND theo mẫu có sẵn và nộp một khoản phí “bôi trơn”, chỉ 2 ngày sau hồ sơ được duyệt là người vay nhận được tiền. Khi biết anh Sơn cần vay 80 triệu đồng, Tiến đề xuất số tiền “bôi trơn” là 3 triệu đồng. Tuy phí “bôi trơn” không lớn nhưng cẩn thận, anh Sơn yêu cầu lúc nào nhận được tiền vay sẽ giao lại số phí đó thì Tiến lạnh lùng phán: “Em là nhân viên làm ăn có trước có sau, nếu anh không tin thì thôi”. Rồi anh ta quả quyết: “Anh cứ thử đến trụ sở ngân hàng em mà giao dịch xem có ai cho anh vay không. Nếu có thì cũng xếp hàng chờ thứ tự chắc sang năm mới đến lượt...”. Nói xong, anh ta chuẩn bị bỏ đi. Cuối cùng, anh Sơn đành đóng cho Tiến 3 triệu đồng vì đang cần tiền.

Sau khi nhận tiền, trước khi lên xe về, Tiến hẹn 2 ngày sau sẽ quay lại đưa hợp đồng để anh Sơn đến ngân hàng giải ngân. Nhưng rồi, đó là lần cuối cùng anh Sơn gặp Tiến. Những trường hợp bị lừa như anh Sơn không phải là chuyện hiếm gặp.

“Ngân hàng quốc tế” giao dịch ở hiệu cầm đồ

Hoạt động cho vay với lãi suất cao bên ngoài các ngân hàng, tổ chức tín dụng, dạng “tín dụng đen” đã tồn tại từ lâu và hoạt động âm thầm, vào những tháng cuối năm lại bùng phát mạnh mẽ trở lại. Loại hình này đang bành trướng mạnh hơn khi công khai quảng cáo tại nhiều địa điểm công cộng.

Trước đây, giới cho vay “tín dụng đen” thường quảng bá dịch vụ cho vay của mình bằng cách truyền miệng, rỉ tai hoặc qua điện thoại. Thời điểm này, để thu hút khách, giới này đã mạnh dạn “đổ bộ” ra phố, với những tờ quảng cáo khổ nhỏ hiện diện ở cột điện, cột đèn, cột tín hiệu giao thông với những lời quảng cáo hấp dẫn, ai đang có nhu cầu vay tiền không thể rời mắt như: “Không thế chấp, chỉ cần hồ sơ phô tô”; “Lãi suất thấp nhất hiện nay, giải ngân chỉ trong 2 ngày” hay “Cấp vốn sinh viên: Chỉ cần có thẻ sinh viên và Chứng minh nhân dân hoặc giấy phép lái xe”… Để tạo niềm tin, họ tự giới thiệu là những tổ chức “khủng” như: Tập đoàn tài chính tín dụng ngân hàng hay ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng quốc tế, tổ chức tài chính phi chính phủ…

Chúng tôi liên hệ với một số điện thoại trên tờ quảng cáo dán ở bốt điện trên đường Kim Giang (Hoàng Mai, Hà Nội). Đầu dây bên kia, giọng nam vồn vã hỏi: “Anh vay bao nhiêu? Vay bao lâu? Nhà anh ở đâu?...”. Nhưng khi được hỏi: “Ngân hàng nào?”, “Lãi suất thế nào?” thì người trả lời khéo léo: “Anh cứ đến cửa hàng cầm đồ tại địa chỉ… để trao đổi, lãi suất tùy thuộc vào số tiền và thời gian vay nhưng thấp thôi, chỉ khoảng 2.000-3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khách hàng của loại dịch vụ tín dụng dạng “giao dịch cửa hàng cầm đồ” này chủ yếu là sinh viên, tiểu thương, công nhân lao động… Họ cũng ít quan tâm đến các điều kiện ràng buộc khi đi vay và ít quan tâm đến cách tính lãi mà các chủ cho vay đã khôn khéo chuyển từ cách tính% sang tính con số.

Không khó để tìm đến những địa chỉ cho vay mang danh ngân hàng ở những ngõ hẻm gần khu ký túc xá các trường đại học, cao đẳng. Nội dung vay, số điện thoại liên hệ… mọi thông tin được cung cấp đầy đủ trong tờ giấy A4 dán ở mọi lối đi. Loại tín dụng này được “chào” với mức lãi suất từ 2.000 – 3.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay/1 ngày (tương đương từ 72%- 108%/năm), thậm chí có thể lên đến 5.000- 7.000 đồng/1 triệu đồng tiền vay/ngày (tương đương từ 180% - 250%/năm). Nếu vay 50 triệu đồng trong 5 tháng, lãi suất 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Số tiền lãi 1 ngày là 150.000 đồng, 1 tháng là 4,5 triệu đồng và sau 5 tháng là 22,5 triệu đồng, gần bằng một nửa số tiền gốc. Sau 5 tháng, nếu người vay không trả được gốc và lãi thì lãi phát sinh sẽ được cộng vào gốc (bằng 72,5 triệu đồng) và tiếp tục tính lãi như cách trên - Một cái lãi vay cắt cổ!

Tìm hiểu qua một số ngân hàng được biết, khi triển khai các chương trình tín dụng mới, họ đều quảng cáo thông qua băng-rôn, áp-phích được in ấn cẩn thận, trên đó có ghi rõ lãi suất cho vay... Đặc biệt những băng-rôn, áp-phích này cũng chỉ được treo tại điểm giao dịch của ngân hàng chứ không treo, dán vô tội vạ trên các bờ tường, cột điện...

Hà Phương


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1