Họa sỹ, đạo diễn phim hoạt hình Lý Thu Hà: Tình yêu bất diệt

09:30:00 23/09/2014

Tôi có cơ duyên được gặp Thu Hà vào một buổi sáng trời thu Hà Nội tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Vì đã nghe kể nhiều về chị, một nữ họa sỹ kiêm nhiệm nhiều vai trò, chức năng trong Hãng phim hoạt hình Việt Nam. Thế nên, tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đón tôi ngoài cửa Nhà Triển lãm lại là một người phụ nữ “ngộ nghĩnh” đến thế. Vâng, cho phép tôi dùng từ ngộ nghĩnh. Chị hiện lên thật khác biệt, chất phác, hóm hỉnh hơn bao giờ hết. Và cũng duyên dáng, nữ tính đến nao lòng.

Họa sỹ, đạo diễn phim hoạt hình Lý Thu Hà.

Tôi sẽ mãi mãi không thể quên được hình ảnh một Lý Thu Hà ngồi ở một góc quán trà đá trên vỉa hè, đưa bàn tay nhỏ nhắn lên vẫy tôi lia lịa. Vui mắt như một cây nấm với mũ rộng vành màu sữa và chiếc áo màu xanh bạc hà có lấm tấm họa tiết chấm bi. Hai gam màu pastel nhạt nhòa ấy rất ăn với nhau. Những chiếc lá phượng vĩ li ti bị gió lay, thi nhau rụng và rơi trên mũ chị, vai chị rất thơ. Hình ảnh đó khiến một kẻ có chút máu “thi sĩ” trong người như tôi bất giác ngẩn ngơ. Và chỉ giật mình choàng tỉnh khi chị cười tươi khoe hai chiếc răng khểnh, liến thoắng với những câu chuyện miên man không đầu không cuối: “Đằng ấy uống nhân trần nhé, nhâm nhi một cốc trong tiết trời này thú lắm. Mà thú nhất là đây này…”. Chị đưa tay chỉ về nơi góc quán trà đá xập xệ, nơi bà cụ hàng nước vừa trông hàng vừa gật gù chìm trong giấc ngủ vội vã, tạm bợ. Thu Hà tiếp: “Có thể thường thì mọi người sẽ say mê với cái đẹp đơn thuần như sao cô bé kia khỏe khoắn, tươi tắn thế; hay người phụ nữ kia có những đường cong tuyệt cú mèo! Họa sỹ như chị lại khác, chị lại bị rung động bởi vẻ đẹp từ các nếp nhăn chồng chất kia, từ đôi bàn tay với những móng thâm xỉn do nhặt rau muống hay gọt sấu của bà cụ. Sao mà đẹp quá!…”. Và chị cứ mải miết ngắm nhìn bà, dường như một phần tâm hồn chị đã nghịch ngợm trốn thoát, chao liệng thỏa thích về một miền tự do nào xa lắm.

Tôi đã gặp khá nhiều họa sỹ phim hoạt hình, mỗi người một tính cách. Nhưng điểm chung duy nhất giữa họ là một sự tỉ mẩn đến tuyệt đối. Bởi có lẽ, nếu không tỉ mỉ, nếu không kiên nhẫn, chỉ đôi lúc cẩu thả, thì giống như người ta chơi trò rút gỗ. Kì công chắp vá cả ngày trời, chỉ cần một thao tác rút sai, thì cả tháp gỗ sẽ đổ ập xuống. Tôi đã cười ngất khi nghe Thu Hà kể chuyện: “Có lần chị đang vẽ một con bò sữa đang gặm cỏ. Thế rồi ngồi cả ngày hoa mắt quá, chị đứng dậy vươn vai đi loanh quanh. Rồi về tiếp tục cắm đầu vào vẽ cho kịp tiến độ. Chị rất tự tin vào trí nhớ của mình, nên không lật lại tranh cũ để xem. Vẽ một hồi lâu, đến lúc ghép hình ảnh. Thấy con bò của mình, lúc thì ra con bò, lúc sau lại chẳng khác gì con… ngựa! Vậy là lại xóa hết đi vẽ lại từ đầu”.

Thu Hà sinh năm 1957, cống hiến gần như trọn 30 năm thanh xuân và gắn bó với cái nghề thầm lặng ấy. Cùng là nghệ sỹ, nhưng những khoảnh khắc hiếm hoi được tỏa sáng trong những lễ trao giải, những liên hoan phim chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặc dù, hàng trăm bộ phim hoạt hình đã qua tay chị. Người ta xem phim, nhưng mấy khi để ý đến ai là người vẽ ra những hình ảnh ấy. Thu Hà nói chị đã quen rồi, cái nghề thui thủi, làm bạn với bàn gỗ, ấn bút chì đến chai cả tay ấy giống như một thứ nhựa sống. Tình yêu với phim hoạt hình là một tình yêu bất diệt của đời chị. Chị chưa một lần thử nghĩ rằng nếu không làm họa sỹ phim hoạt hình thì mình sẽ làm gì? Thậm chí hoạt hình ám ảnh chị đến nỗi những người chị đã gặp, những gương mặt lướt trên đường cũng trở thành niềm cảm hứng để chị dùng bút chì chuyển thể thành một nhân vật hoạt hình.

Bức tranh “Hàng cốm” của họa sỹ Lý Thu Hà.

Lý Thu Hà trẻ hơn cái tuổi 57 của mình rất nhiều, trẻ trung từ khuôn mặt ửng hồng nhuận sắc, giọng cười sảng khoái, và cách nói chuyện đôi lúc thật thà đến… ngây thơ. Tôi thương chị. Giống như thương một người phụ nữ đa đoan. Trải qua không ít cung bậc cảm xúc và nhiều giai đoạn tình yêu, chị vẫn lựa chọn một cuộc sống độc thân, để có thể trọn vẹn sống với tình yêu bất diệt với hoạt hình của mình. Hỏi chị buồn không? “Đôi lúc”. Hỏi chị có đôi lúc thấy tủi?. “Không hề”. Hội họa chọn chị, hoạt hình đến với chị như một người tình chung thủy. Em có tin không, những con sâu, những con ve sầu, những con chuột chị vẽ ra… chị yêu đến thắt lòng. Chiếc bút chì không bao giờ bỏ rơi chị, cũng như chị không bao giờ thôi âu yếm, quấn quýt nó mỗi ngày. Dù về hưu đã gần chục năm nay, nhưng chưa ngày nào chị ngơi bút. Những dự định, những đơn “đặt hàng” cứ chồng chất cuốn chị đi. Đến tận giờ mà chị vẫn thấy xấu hổ vì đôi lúc đam mê quá, chị vẫn hoàn toàn để mặc bản năng cuốn đi. Khi đã cầm vào cây bút chì, chị không có khái niệm hạn định chỉ vẽ bằng này tiếng đồng hồ thôi nhé. Hay vẽ nốt bìa cuốn sách này, phác nốt nhân vật hoạt hình kia là sẽ ngơi tay. Dẫu công việc đã xong nhưng “cơn” chưa dứt. Chị sẽ vẽ đến khi nào mệt nhoài, đôi tay cầm bút rã rời và tấy đỏ thì thôi, bởi chị sợ cảm hứng sẽ tuột mất. Những ý tưởng nếu tạm gác lại để giải lao sẽ bị nhòa đi”.

Trong ngôi nhà nhỏ nhắn trên đường Giảng Võ của Thu Hà, có một sự xộc xệch, ngổn ngang, bề bộn rất “nghệ”. Thu Hà thường hay thu mình cặm cụi vẽ tại một góc nhỏ, chỉ vài mét vuông. Đó chính là nơi hàng trăm ngàn phác thảo về hoạt hình đã hạ sinh. Chị cười trừ: “Gọn gàng, nghiêm cẩn quá chị không vẽ nổi!”. Cũng giống như rất nhiều họa sỹ đồng nghiệp trong nghề của chị, đôi lúc vì áp lực công việc mà trở nên nghiêm nghị, trầm mặc. Thu Hà thì khác, luôn tưng tửng một cách rất đáng yêu. Vừa kể chuyện chị có thể vừa cười phá lên, nắc nẻ; hoặc khiến tôi tròn mắt với vốn ngôn ngữ rất 9x vô cùng phong phú của chị. Phải chăng vì chuyên làm phim cho thiếu nhi, mà tư tưởng của chị cũng vì thế mà phóng khoáng, vui tươi? Tôi biết, đằng sau những nụ cười vô tư ấy vẫn chất chứa những nỗi buồn không giấu nổi trong đáy mắt. Căn nhà thiếu hơi ấm, thiếu đôi tay đàn ông lắm lúc thấy xộc xệch, tội nghiệp. Giống như chị, nhìn từ phía sau cứ thấy mong manh… Không dưng, người ta độc mồm nhận xét: “Nghệ sỹ là những phận người bị giời đày”. Đúng là bị đày thật. Thu Hà tâm sự lần vì thích một cuốn sách chuyên dạy vẽ hoạt họa của Walt Disney rất đắt đỏ, mà chị đã phải tiết kiệm gần hai tháng để dành tiền mua. Cứ mỗi ngày đi qua hiệu sách, chị lại mân mê một tí, để thấy yên tâm rằng chưa có người mua mất. Cho đến một ngày, khi Thu Hà đủ tiền để rước “em nó” về, thì cũng là lúc hiệu sách giảm giá xuống còn một nửa.

Một bộ phim hoạt hình ngắn vài chục phút đâu ai biết rằng phải làm ròng rã trong gần 7, 8 tháng trời mới xong. Để có được những cảnh phim chỉ 3,4 phút, người họa sỹ đã phải vẽ hơn trăm bức tranh khác nhau. Trước kia, khi công nghệ làm phim còn thô sơ, những hôm trời nồm chị phải nằm bò ra để hong cho khô màu. Rất nhiều đêm duyệt cảnh phim đến tận 4, 5 giờ sáng. Những buổi lồng tiếng sấm chớp vào cảnh phim buồn cười đến chảy nước mắt của êkip. Một người cứ cầm đèn pin, rồi một người thì thào như buôn bạc giả hô: “1,2,3!”. Thế là giơ đèn pin lên, lia nháy một cái, rồi vội giấu sau lưng. Người thì dùng tay vỗ thùng vỗ chậu bồm bộp để làm sấm sét. Ký ức ấy, chị nói, có dùng tẩy kì cọ đi thì vẫn ăn sâu vào tâm trí chị rồi. Khổ cực nhưng ấm áp…

Cuộc đời chị là một loạt những va đập. Giống là một tảng đá khổng lồ trên núi cao, trải qua bao năm tháng dài đằng đẵng bị mặt trời nung đốt, đầy vết nứt. Do liên tục bị va đập, lăn lộn, bị thương đầy mình. Nhưng rồi chính những dòng nước lại làm lành những vết thương. Và đá trở thành một hòn sỏi láng mịn như bây giờ. 5 tuổi đã thoát li sơ tán, 10 tuổi đã tự lập sống xa gia đình. Thu Hà nói cuộc đời chị tiêu biểu cho những lựa chọn “đầy dân chủ”. Chị có một gia đình tuyệt vời, một người bố làm nhạc sỹ công tác tại Đài Truyền hình. Một người mẹ mà khi hàng xóm sốt ruột thay, giục giã: “Sao chị không bắt cái Hà lấy chồng”. Mẹ chị nhíu mày: “Sao lại phải bắt, nó sống vui, sống tốt là được rồi!”.

Đến giờ, khi đã về hưu, chị vẫn không thôi đau đáu về hoạt hình, giống như một người yêu thắc thỏm về mối tình tiền kiếp. Thu Hà chép miệng: “Em nhỉ, nhiều khi hoạt hình nước mình chưa thực sự được giải phóng về tư tưởng. Em có thấy ở phim hoạt hình nước ngoài, con chuột vẫn thắng con mèo, như trong phim Tom và Jerry. Có nhân vật cá mập tách bầy đòi ăn chay. Ở nước mình, thì không được. Sẽ nhận được hàng tấn gạch đá ngay. Tại sao lại cho con chuột thắng con mèo? Con chuột là kẻ thù của nhà nông cơ mà? Vẽ con cá mập ăn chay là phản tự nhiên! Phim hoạt hình là dành cho thiếu nhi cơ mà, sao cứ áp đặt tư duy lý tính của người lớn vào…

Thu Hà nói say sưa không ngừng, dường như tình yêu với phim hoạt hình như một thứ định mệnh, ăn sâu vào trong máu, vào tiềm thức của chị. Thứ tình yêu ấy, không vì tuổi tác, thời gian làm cằn cỗi mà càng về sau, lại càng đượm, càng lắng sâu. Có lẽ vì chưa bao giờ chị thôi tưới tắm cho nó bằng niềm đam mê trong trẻo, ngọt lành


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1