Liên kết xuất bản: Cuộc chơi thực sự nằm trong tay ai?

01:30:00 14/10/2014
Văn hóa đọc xuống cấp, sách giảm giá chỉ còn 5.000 đến 10.000 đồng một cuốn, các nhà xuất bản (NXB) báo lỗ, nhân viên không có việc làm, lương thấp, những cuốn sách có giá trị dần bị thay thế bởi những cuốn sách thị trường để hút khách, hoạt động của NXB chịu nhiều sai phạm bởi buông lỏng cho các đầu mối liên kết… Khi trao đổi về vấn đề này, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản cho rằng, cuộc chơi thực sự nằm trong tay ai đang là một vấn đề đặt ra bức thiết cần phải tháo gỡ của hệ thống các NXB hiện nay bởi những bất cập và hậu quả mà nó mang lại là không hề nhỏ…

Thời gian vừa qua, sự việc Cục Xuất bản quyết định xử phạt hành chính NXB Thời đại (30 triệu đồng) vì với những sai phạm trong việc phát hành cuốn sách "Văn hóa tộc người Việt Nam" (tác giả Nguyễn Từ Chi, NXB Thời Đại và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật ấn hành năm 2013), một cuốn sách đã đoạt giải sách hay cho hạng mục sách viết, lĩnh vực nghiên cứu (do Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED thực hiện trao giải) đã trở thành một vấn đề được bàn luận gay gắt trên các ấn phẩm báo chí.

Nhiều người trong giới nghiên cứu, học thuật cũng như báo chí phản ánh rằng, đây là cuốn sách tái bản cẩu thả, nội dung kém, đáng bị xem là thảm họa so với tác phẩm gốc, khác nhiều so với bản in lần đầu tiên của sách mang tên "Góp phần nghiên cứu Văn hóa và Tộc người" (NXB Văn hóa Thông tin và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật in năm 1996).

Cũng ở NXB Thời đại, cuốn sách "Văn hóa Việt Nam" (của G.S Trần Quốc Vượng, phát hành năm 2013). Cuốn sách này phát hành không có bản quyền, tự ý đổi tên tác phẩm (tác phẩm gốc của G.S Trần Quốc Vượng in lần đầu có tên là "Văn hóa Việt Nam - tìm tòi và suy ngẫm") mắc nhiều lỗi biên tập, thậm chí là biên tập cẩu thả, thêm bớt, cắt xén vô lối.

TS Trần Thúy Anh, con gái cố G.S Trần Quốc Vượng là người phát hiện ra vụ việc đầu tiên đã chia sẻ với báo giới: Khoảng ngày 4 Tết Giáp Ngọ (2014), con trai chị thấy cuốn sách của ông ngoại được giới thiệu trên truyền hình. Mấy ngày sau, hai mẹ con lên phố Đinh Lễ để mua sách. Chị đã rất bất bình trước việc cuốn "Văn hóa Việt Nam" bị biên tập rất cẩu thả. Không những thế, vì "xào" sách nên trong cuốn sách mới tái bản, các biên tập viên đã để nguyên chức vụ, công việc của cố G.S Trần Quốc Vượng như thời ông đang sống, chẳng hạn như để nguyên văn "Đang đảm nhiệm chức vụ…", hay đang là "Ủy viên BCH Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội - Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội (từ 1976 đến nay)". "Đang" và "đến nay" có nghĩa là năm 2014 tác giả vẫn đương chức, trong khi đó G.S Trần Quốc Vượng đã qua đời từ năm 2005. Việc làm này xúc phạm đến vong linh của G.S Trần Quốc Vượng.

Hai cuốn sách vi phạm luật xuất bản của NXB thời đại.

Trước những sự việc này, Cục Xuất bản đã có cuộc họp và kết luận: NXB Thời đại đã sai phạm khi phát hành hai cuốn sách “Văn hóa tộc người Việt Nam” (2013) của PGS Nguyễn Từ Chi và “Văn hóa Việt Nam” (2013) của G.S Trần Quốc Vượng.

Đại diện NXB Thời đại cũng thừa nhận khi làm hai cuốn sách này, đội ngũ biên tập đã không chấp hành nghiêm quy trình biên tập, dẫn đến việc cắt bỏ một số bài viết, sửa chữa khi chưa được sự đồng ý của tác giả. Cục Xuất bản cũng ra quyết định xử phạt hành chính đối với những sai phạm của NXB Thời đại, trong đó có "hành vi không nộp lưu chiểu ấn phẩm xuất bản", "không xuất trình được văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả".

Sự việc của NXB Thời đại chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp sai phạm được coi là "thường tình" của ngành xuất bản trong thời gian qua, nhất là từ khi chủ trương liên kết xuất bản nhằm xã hội hóa công tác xuất bản, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của ngành xuất bản cũng như văn hóa đọc vốn bị lép vế trong thời buổi công nghệ thông tin hiện nay.

Tuy nhiên, một vấn đề bất cập là hầu hết những quy định của luật liên kết này dù đã được đưa ra song chưa thực sự được các NXB, các công ty liên kết áp dụng chặt chẽ, chưa nghiêm ngặt, nên đã khiến có nhiều sách bị lỗi về kiến thức, bị sai phạm về quy trình cũng như bị thu hồi do vi phạm các quy định của pháp luật như các cuốn sách sai về sự kiện lịch sử, chủ quyền biên giới, biển đảo.

Điều đáng bàn là không chỉ sách văn học, sách nghiên cứu sai phạm, mà sách giáo dục phổ thông cũng đang có nhiều sai phạm từ vấn nạn "liên kết xuất bản". Một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm dạy học tại Trường đại học Sư phạm chia sẻ: Có quá nhiều sai phạm trong sách giáo khoa ở hệ phổ thông, đặc biệt là các cuốn sách liên kết xuất bản, được một số NXB không có các ban, các chuyên viên chuyên biệt ở lĩnh vực sách giáo dục đứng ra làm sách. Có rất nhiều diễn đàn làm cha mẹ mà ở đó các phụ huynh đã đưa ra các bằng chứng về những bài toán "đánh đố", "khó hiểu", thậm chí đi ngược lại "thuần phong mỹ tục" của người Việt… nhưng vẫn được lưu hành đến tay các em học sinh.

Chẳng hạn, đề toán từng khiến các bậc làm cha mẹ trên mạng xã hội tranh cãi rất nhiều bởi đã đi ngược lại với "Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam" bởi nội dung của nó: "Hiện nay Nam 4 tuổi. Tuổi bố gấp 4 lần tuổi Nam. Tuổi mẹ gấp 3 lần tuổi Nam. Hỏi bố Nam bao nhiêu tuổi, mẹ Nam bao nhiêu tuổi?". Đáp án của đề toán này là hiện nay bố Nam 16 tuổi, mẹ Nam 12 tuổi, như vậy khi sinh ra Nam, bố em mới 12 tuổi, mẹ mới 8 tuổi.

Hay như bài toán khó hiểu với đề bài: "Con lợn nặng 45 kg, con chó nhẹ hơn bao gạo 28 kg. Hỏi con chó nặng bao nhiêu kg?". Trong bài toán này, con chó nhẹ hơn bao gạo, nhưng lại không biết bao gạo nặng bao nhiêu. Còn không hiểu dữ liệu về con lợn được đưa vào để làm gì. Có nhiều người cho rằng, bài toán này không chỉ học sinh bó tay mà đến thiên tài chắc cũng "chào thua" vì không đủ dữ liệu để làm phép tính.

Bài toán khiến nhiều phụ huynh “rợn người” in trong cuốn sách tham khảo dành cho học sinh lớp 1.

Một bài toán mà theo nhiều phụ huynh là "rợn người" khi đọc trong cuốn sách tham khảo dành cho học sinh lớp 1 "Phép cộng trừ phạm vi 100": "Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao nên bị cụt mất đi hai ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay". Ngoài đề bài thì bài toán còn có phần hướng dẫn giải tóm tắt và hình vẽ minh họa với hai bàn tay và hai ngón trỏ, giữa của bàn tay phải bị cắt rời bỏ sang một bên.

Có bài Toán lớp 1 khác cũng đã khiến các phụ huynh gặp nhiều băn khoăn. Đó là câu hỏi trong cuốn Bài tập ôn luyện tự kiểm tra cuối tuần toán (tập 1) của tác giả Hoàng Mai Lê, Nguyễn Đình Khuê (NXB Đại học Sư phạm). Cụ thể, bài số 4 yêu cầu học sinh làm phép tính "3 trừ mấy bằng 4" và "7 cộng mấy bằng 5". Trong khi đó, học sinh lớp 1 đang học về phép cộng, trừ trong phạm vi từ 2 đến 9.

Về sai sót này, khi trả lời báo chí, ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc NXB đại học Sư phạm cho biết, sách này do đơn vị liên kết là Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục Việt Nam chịu trách nhiệm nội dung và bản quyền. Nhận được thông tin, NXB đã có văn bản yêu cầu đơn vị liên kết đình chỉ phát hành và thu hồi cuốn sách này.

Một tiến sĩ Phó trưởng khoa Toán của một trường đại học danh tiếng trên địa bàn Hà Nội, khi được hỏi ý kiến về chất lượng của những cuốn sách liên kết (ở mảng sách giáo dục), đã chia sẻ: Có một thực tế là sách dạng sách liên kết thường không có hội đồng thẩm định, nhiều nhóm tác giả đứng tên sách thì không có tên tuổi trong nhóm tác giả giáo dục phổ thông.

Đối với đại đa số sách tham khảo cho mầm non, tiểu học thì trừ những cuốn sách của NXB Giáo dục, hay là các NXB có vai trò trong vấn đề chuyên môn, thì những cuốn sách tham khảo đều khá tùy tiện, nội dung nhiều cái sai. Chẳng hạn như cuốn sách "Cùng em học toán lớp 3" của NXB Hà Nội liên kết với một nhà sách trên đường Láng mà con anh được học vào giờ ôn tập buổi chiều, thì có nhiều bài trong đó không đúng logic. Ví dụ, có bài ôn tập về phép cộng không nhớ thì nội dung lại là phép trừ có nhớ.

Anh cũng đưa ra đề xuất rằng, những sách tham khảo về giáo dục chỉ nên quy định cho một số NXB như giáo dục hay NXB của các trường đại học xuất bản thì tốt hơn, vì ở đó họ có hội đồng thẩm định và các ban chuyên môn rõ ràng để thẩm định nội dung các cuốn sách, chứ không thể tùy tiện xuất bản sách giáo dục trong thời buổi sách liên kết xuất bản dường như nhan nhản trong danh mục các cuốn sách cho học sinh và giáo viên hiện nay.

Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản: “Sẽ rà soát các nhà xuất bản”

Vừa qua, ngành xuất bản có nhiều "lùm xùm" và có thể nói rằng, để quản lý xuất bản chúng ta không đặt vấn đề này một sớm một chiều và cũng không đổ trách nhiệm cho một ai cụ thể. Bởi vì những điều đã được nêu quy định rõ trong Luật Xuất bản sửa đổi năm 2012 về chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ dành cho các tổng biên tập và các giám đốc NXB (như quyền ra tác phẩm, quyền xuất bản, quyền phát hành…). Mỗi năm các NXB cho ra đời hàng triệu đầu sách một năm thì cái quyền của họ thực tế là rất to, nhưng tôi cho rằng, cái họ đem lại cho xã hội chưa thực sự tương xứng.

Hoạt động của các NXB cho đến nay được xác định là lực lượng văn hóa tư tưởng của Đảng và Nhà nước nên không cho tư nhân tham gia để đem lại sự thống nhất trong quản lý nhà nước và sự an toàn về tư tưởng, văn hóa. Mục tiêu của Đảng và Nhà nước là đúng đắn, song trên thực tế, do sự coi trọng không đúng mức của các cơ quan chủ quản, cụ thể là trong việc xác định vị trí vai trò của các NXB như không quan tâm đến kiện toàn tổ chức, không coi trọng vấn đề nhân sự, không coi trọng công tác xuất bản, có "sinh" mà không có "dưỡng", đôi khi họ đặt các vị trí biên tập trong NXB cho đủ mâm, đủ bát, nên không thể tạo được những người giỏi để có thể nâng tầm của NXB mình lên.

Chính vì thế, trong cơ chế tự hạch toán họ vấp phải rất nhiều vấn đề bất cập, phải tự xoay xở kiếm sống thì họ chỉ còn cách phải liên doanh, liên kết với tư nhân để có thể có "cần câu cơm". Vậy lúc này, ai là người khống chế cuộc chơi? Ai là người cầm tiền thì người đó có quyền khống chế cuộc chơi. Và đó là tư nhân. Những NXB có trách nhiệm thì giữ được sự chỉn chu của mình, còn không thì trong cuộc liên kết này, các NXB phải phục vụ cuộc chơi của người có tiền. Tạo hết điều kiện cho người có tiền, rồi vô hình trung, trở thành công cụ cho người có tiền lúc nào không biết.

Thực tế cho thấy, hiện nay, có nhiều NXB đang bị "cầm đằng lưỡi", họ đang đánh mất thương hiệu, đánh mất quy trình, buông lỏng quản lý, nguyên nhân sâu xa là bởi vì họ muốn lo cho đời sống của anh em, của cán bộ công nhân viên nên họ phải "xuống nước". Ban đầu cho họ quyền làm "vua" nhưng rồi vì "đói" nên làm "đầu sai". Bây giờ muốn lớn mạnh chỉ còn cách dựa vào những tài năng, dựa vào quyết tâm của từ các lãnh đạo đến đội ngũ các biên tập viên, phải quyết tâm vượt qua khó khăn (như một số NXB vẫn làm được lâu nay như NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Giáo dục…).

Bản thân họ phải vận động từ trong nội tại mà thôi, phải tạo cơ chế và điều kiện vật chất để làm chủ bản thân mình, chứ ở Cục Xuất bản với 40 con người mà quản lý tất cả các NXB trong cả nước thì không thể kiểm soát được hết mọi nhất cử nhất động của họ.

Riêng với những sai phạm của NXB Thời đại thì Cục Xuất bản đang cho thanh tra toàn diện. Nếu họ có sai phạm thì xử phạt, ngoài ra, Cục cũng sẽ tham mưu, chấn chỉnh cũng như sẽ nâng tầm bộ máy để có thể đưa họ đi vào quỹ đạo ổn định.

Sắp tới đây, sau NXB Thời đại thì chúng tôi sẽ lần lượt kiểm tra, rà soát tất cả các NXB trong cả nước, không phải để xử phạt mà mục đích là chỉ ra nguyên nhân, căn gốc của ngành xuất bản để xây dựng, củng cố ngành xuất bản, đưa ra giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, tìm ra lỗ hổng cũng như nguyên nhân sâu xa về sự "xuống cấp" của các hoạt động xuất bản trong thời gian qua…


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1