CôngThương - Ít người mua sách…
Khảo sát tại các hệ thống cửa hàng sách Nguyễn Văn Cừ, Nhân Văn và Văn Lang tại TP.HCM cho thấy, ngoài các loại sách giáo khoa, sách phục vụ học tập thì những loại sách truyện được rất ít người xem và lựa chọn. Các loại sách này hiện nay cũng chỉ chiếm một khoảng nhỏ trong hiệu sách, các chủng loại sách không đa dạng, chủ yếu là truyện nước ngoài, truyện ma và một số tác phẩm truyện trong nước. Tuy nhiên, có thể thấy đây là các tác phẩm cũ từ trước đó mà ít có các tác phẩm mới được cập nhật.
Trước việc tiêu thụ sách không mấy khả quan, hầu hết các hiệu sách lớn đều mở rộng công năng, thay vì chỉ bán sách như trước đây thì các hiệu sách đã trở thành một bách hóa tổng hợp với đầy đủ mọi loại hàng từ quần áo, đồ chơi trẻ em, các loại đồ dùng gia đình. Đáng nói là số lượng người vào mua đồ dùng gia đình tại các nhà sách lại chiếm phần đông trong khi lượng mua sách thì rất khiêm tốn.
Đối với các “chiếu sách” bán lề đường tình hình buôn bán cũng không khá hơn. Anh Trương Thìn - bán sách trên đường An Dương Vương (quận 5) - chia sẻ, sau đợt cao điểm về truy quét sách lậu bán vỉa hè năm 2009 đến nay, số lượng người bán sách vỉa hè cũng giảm đi nhiều, hơn nữa người mua sách về đọc ít lắm nên kinh doanh khá ế ẩm.
Anh Thìn còn cho biết, sách được nhập chủ yếu tại các cơ sở gia công, tuy chất lượng không được như sách thật nhưng cũng khá bảo đảm với lại giá thành cũng rẻ hơn nên dễ bán nhưng sách bán được nhiều nhất vẫn là sách dành cho thiếu nhi và truyện tranh.
Văn hóa đọc đang dần mai một?
Theo thống kê hiện nay cả nước có trên 60 nhà xuất bản (NXB) đang hoạt động, khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp và khoảng 14.000 công ty phát hành sách với khoảng 300 triệu bản in cho thị trường mỗi năm. Tuy số lượng sách được xuất bản khá lớn nhưng sách vẫn chủ yếu tập trung ở thành phố, đô thị, người dân vùng sâu, vùng xa vẫn khó tiếp cận với sách. Trong khi đó tại các đô thị văn hóa đọc lại đang dần ít đi vì sự phát triển nhanh chóng mặt của internet và các phương tiện truyền thông khác. Một vấn đề khác liên quan đến việc đọc là hiện nay, sách giấy in theo phong cách truyền thống đang bị sách điện tử (hay còn gọi là ebook) cạnh tranh. Nhiều người lo ngại việc ra đời loại hình sách điện tử sẽ làm cho hoạt động của ngành xuất bản giảm sút.
Về vấn đề này, đơn vị phát hành sách Fahasa (TP.HCM) nhìn nhận, mảng sách văn học và sách tham khảo có sức mua giảm do ảnh hưởng từ sách điện tử. Đây là những mảng sách chịu ảnh hưởng rõ rệt từ sách điện tử, một dạng đọc sách thời công nghệ. Trong khoảng từ 3 - 5 năm nữa, cán cân sách giấy và sách điện tử ở Việt Nam sẽ có sự thay đổi và nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ, thị trường sách trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trước sự thay đổi này.
Có thể dễ dàng nhận thấy văn hóa đọc đang dần ít đi. Nguyên nhân sâu sa có lẽ do từ bậc tiểu học, trung học phổ thông đến đại học học sinh đã đã thiếu đi việc rèn luyện thói quen đọc sách, được hướng dẫn lựa chọn sách, cách đọc sách còn ở bề nổi, chưa chú trọng về công tác giáo dục chiều sâu. Vì vậy, vấn đề đặt ra là các nhà hoạch định giáo dục cần phải xây dựng đề án về văn hóa đọc ngay tại các trường, để có thể lan tỏa tri thức đến từng đối tượng học sinh, sinh viên.