Truyện tranh thiếu nhi: Sân chơi lớn còn bỏ ngỏ

10:26:00 14/01/2015

Nhu cầu về một nền "văn hóa đọc” lành mạnh, mang tính giáo dục cao là hết sức thiết yếu đối với các em ngay từ thuở ấu thơ. Thế nhưng, nhìn vào nguồn sách thiếu nhi đang được bày bán, dễ dàng thấy mảng sách viết, vẽ cho thiếu nhi của các tác giả VN chỉ chiếm chừng trên dưới 20%. Cạnh đó, sách nước ngoài, nhất là mảng truyện tranh Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc luôn chiếm lĩnh thị trường và thậm chí còn có không ít những quyển truyện tranh loại này mang đầy tính bạo lực hay gợi dục.

Thiếu nhi vẫn mong có thêm nhiều cuốn sách hay

Ưu điểm lớn nhất của truyện tranh là có một phương thức truyền cảm độc đáo, là sự kết hợp hài hòa giữa ngôn từ và hình vẽ. Vì thế, truyện tranh luôn được các độc giả nhí yêu thích và bao giờ nó cũng bán chạy hơn so với nhiều thể loại khác. Song, có lẽ do mải mê chạy theo thị hiếu, không ít các nhà NXB đã sẵn sàng tung ra hàng loạt những tác phẩm được biên tập, biên dịch quá, dễ dãi. Nội dung chỉ xoay quanh những câu chuyện tình cảm, yêu đương loạn xạ của những cô cậu mới lớn hoặc mang nặng tính bạo lực, đánh đấm "xã hội đen”.

Một biên tập viên ở NXB Trẻ cho biết: "Đối với truyện viết cho lứa tuổi thiếu nhi, cần có kết cấu truyện khác hẳn với đối tượng là người lớn. Nhưng thực tế, trong một số truyện cổ tích thế giới và các nước, khi tuyển chọn và biên dịch, các tác giả đã không chú ý đến đối tượng độc giả chính của họ là thiếu nhi nên cứ dịch gần như nguyên bản, kể cả một số chi tiết tập trung quá sâu vào quan hệ tình cảm lứa đôi nam nữ…”.

Song, cũng không thể phủ nhận một điều là truyện tranh Việt Nam chúng ta vẫn chưa hấp dẫn được các em cũng bởi sự đơn điệu, nhàm chán. Quanh đi quẩn lại, chúng ta chỉ nhìn thấy vài ba bộ truyện cổ tích quen thuộc như: "Tấm Cám”, "Bánh chưng bánh dày”, "Sơn Tinh - Thủy Tinh”, "Là cờ thêu sáu chữ vàng”, "Cây tre trăm đốt”, "Sọ Dừa”... Gần đây, mới có thêm một số bộ truyện tranh được nhiều độc giả thiếu nhi yêu thích: "Thần đồng đất Việt”, "Danh tác VN”, "Hoàng Sa - Trường Sa khẳng định chủ quyền”, "Hào khí đất phương Nam”, "Cậu bé rồng”, "Lịch sử VN bằng tranh”, "Một thuở nước non này”, "Hào khí Đông A”… Điều này chứng tỏ nếu được đầu tư nghiêm túc, truyện tranh VN vẫn sẽ đứng vững được trên các quầy sách và sống mạnh trong lòng độc giả nhí.

Rõ ràng thị phần truyện tranh VN dù đã có những tín hiệu mới, đáng mừng nhưng vẫn còn khá nghèo nàn về đề tài, thể loại và tranh vẽ kém sống động, sắc sảo. Đây là những lý do chủ yếu khiến truyện tranh VN kém hấp dẫn, bỏ ngỏ một "sân chơi” lớn cho truyện tranh nước ngoài tha hồ "làm mưa làm gió”. Để nâng cao chất lượng truyện tranh VN, đã đến lúc chúng ta phải có một đội ngũ nhà văn, họa sĩ, những người làm truyện tranh chuyên nghiệp, được đào tạo hết sức bài bản. Bởi chính việc thiếu trầm trọng một đội ngũ sáng tác truyện thiếu nhi, đặc biệt là các họa sĩ chuyên vẽ tranh truyện đã khiến truyện tranh VN đành "lép vế ngay trên sân nhà”. Các NXB cũng cần cân bằng giữa tính giáo huấn và giải trí trong mỗi cuốn tranh truyện, tập trung khai thác những đề tài mới mẻ, phù hợp hơn với tâm lý lứa tuổi của thiếu nhi để tạo một phong cách sáng tác, xuất bản cho riêng mình.

Nguyễn Sinh
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1