Tháng ba, kể chuyện về “nhà văn biên giới”

10:47:00 03/03/2014

Lương Sĩ Cầm là nhà văn thứ 2 của lực lượng Công an được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam sau nhà văn Lê Tri Kỷ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều đồng nghiệp và bạn đọc gán cho ông cái biệt danh là “nhà văn biên giới”, bởi trong công tác cũng như sự nghiệp cầm bút của mình, hình ảnh người lính, những câu chuyện trên các tuyến biên giới của Tổ quốc, những ký ức đẹp nhất mà ông đã kinh qua.

Ngay khi mới 15 tuổi, chàng trai Lương Sĩ Cầm ngày ấy (SN 1929, ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) đã xông xáo gia nhập Đoàn Thanh niên Cứu quốc (thuộc Mặt trận Việt Minh) và dũng cảm tham gia cướp chính quyền ở địa phương. Đến năm 1946, Lương Sĩ Cầm đã có mặt trong đoàn quân Nam tiến vào hoạt động tại mặt trận Đèo Cả.

Năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Lương Sĩ Cầm tập kết ra Bắc và được phiên chế vào Sư đoàn 324. Ngày ấy, trong không khí hào hùng của dân tộc, phong trào viết về những kỉ niệm sâu sắc của đời lính, của chiến trận được phát động rộng khắp toàn quân. Trong ký ức của nhà văn Lương Sĩä Cầm, lúc bấy giờ, toàn Sư đoàn 324 chọn ra được ba tác phẩm có chất lượng tốt nhất gồm: “Mẩu bút chì” của Trung tá Phạm Hồng Cư, Chính ủy Trung đoàn; Trần Công Tấn với “Voi thần, thần voi” và “Mỗi lần thứ sáu” của ông.

Ngay sau thành công này, Lương Sĩä ầm được chuyển lên làm báo của Sư đoàn, và cũng trong thời gian này, ông đã viết hai truyện ngắn đầu tay là “Y Ngun” và “Chuyến tuần tiễu đầu tiên” đoạt giải trong cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1957-1958.

Tháng 3/1959, Lương Sĩ Cầm được điều chuyển công tác sang lực lượng Công an nhân dân vũ trang (Bộ đội Biên phòng) và sau đó ông tiếp tục được chuyển ra Hà Nội làm Báo Công an vũ trang (nay là Báo Biên phòng). Năm 1962, ông in tập truyện ngắn đầu tiên mang tên “Ánh lửa” gồm 8 truyện ngắn và được tham dự lớp viết văn trẻ Quảng Bá khóa đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam.

Là chiến sĩ làm báo, bước chân của nhà văn Lương Sĩ Cầm hầu như đã in dấu trên hầu khắp các tuyến biên cương của Tổ quốc như Vĩ tuyến 17, biên giới Tây Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc,…

Cho đến tận bây giờ, nhà văn Lương Sĩ Cầm vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm của ông trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam năm nào. Lần ấy, để có bằng chứng xâm lược của bọn Pôn Pốt, Lương Sĩ Cầm được chỉ huy phân công nhiệm vụ cùng một đồng đội khác ra chiến tuyến quay bằng được cảnh binh lính Pôn Pốt xâm chiếm biên giới, làng mạc Việt Nam, trong đó có cảnh chiến đấu của bộ đội, dân quân của ta bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh bom đạn khốc liệt ấy, Lương Sĩ Cầm và đồng đội của mình đã anh dũng, gan dạ cầm máy quay, máy ảnh ghi lại đầy đủ những khung hình đã tính toán từ trước và hoàn thành được nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Nói về tình quân dân ở các tuyến biên giới, nhà văn Lương Sĩ Cầm chia sẻ rằng, câu chuyện về chàng thanh niên dân tộc Vân Kiều (nhân vật chính trong tiểu thuyết Sắc rừng A Bai, 1986-1987) có tên thật là Hồ Panh nhanh nhẹn, dũng cảm đi theo cách mạng là một trong những hình ảnh khiến ông xúc động nhất. Trong một lần chiến đấu, Hồ Panh bị địch bắt và dụ dỗ qui hàng. Để tỏ sự thiện chí, tên chỉ huy địch đã thả tự do cho Hồ Panh về làng. Nhưng ngay sau khi được thả ra, không một chút do dự, Hồ Panh lại tiếp tục quay về với cách mạng, và là người tiên phong dẫn bộ đội băng rừng, vượt suối, luồn lách qua khu vực địch kiểm soát một cách an toàn để chiến đấu và chiến thắng hết lần này đến lần khác,…

Tất cả những kỷ niệm, những câu chuyện xúc động trên đều là những tư liệu sống quí báu mà Lương Sĩ Cầm đã may mắn được trực tiếp chứng kiến tận mắt và trải qua những cung bậc cảm xúc cụ thể. Vì vậy mà sau này, ông đã cho ra đời hàng chục tác phẩm quí giá với những tư liệu ngồn ngộn, sống động về tình quân dân, về những câu chuyện chiến đấu trên nhiều chiến tuyến nơi biên cương của Tổ quốc như: Đất rừng lau (truyện ngắn, 1963); Từ núi rừng Ba Tơ (ký, 1964); Lê Đình Chinh (truyện ký, 1980); Rừng biên giới (truyện, 1984); Người thợ săn (truyện, 1984); Trận đầu (tiểu thuyết, 1986); Sắc rừng A Bai (tiểu thuyết, 1986-1987, hai tập); Em vẫn chờ ngày cưới (tiểu thuyết, 1991)…

Ngoài ra, Nhà văn Lương Sĩ Cầm đồng thời cũng là đồng tác giả của hàng trăm trang ký sự trong tập ký sự Chiến sĩ Biên phòng giai đoạn 1959-1975, ông còn viết hàng chục kịch bản phim tài liệu có giá trị và giành được giải thưởng tại Liên hoan phim toàn quốc như “Ngọn cờ giới tuyến”; “Đầu nguồn sông Mã”; “Nụ cười Bay on”; “Đường về”... và làm cố vấn cho bộ phim truyện “Trên vĩ tuyến 17”. Đặc biệt, bộ phim tài liệu “Trạm gác chân đèo” do ông viết kịch bản còn nhận được giải thưởng tại Liên hoan Phim quốc tế Lép-xích (CHDC Đức) năm 1971.

Nhà văn Lương Sĩ Cầm bên người vợ thương yêu của mình.

Trong lần gặp trước, tôi đã thật sự bất ngờ khi ông đưa ra tặng cuốn tiểu thuyết dày dặn và tâm huyết nhất đời viết của mình có tên "Đèn kéo quân" (506 trang - NXB Quân đội Nhân dân) viết về giai đoạn chiến đấu ác liệt của quân và dân Liên khu V trên chiến trường Tây Nguyên và Nam Trung Bộ đầu xuân năm 1954. Còn lần gặp hôm nay, Lương Sĩ Cầm lại bảo rằng, cách đây vài ba ngày, Nhà xuất bản Công an Nhân dân đã mang bản bông sang và ông đã chỉnh sửa xong cuốn “Bước chân trinh sát” để chuẩn bị in đồng loạt. Cả đời gắn bó với các nẻo đường biên cương của Tổ quốc, gắn bó với đồng bào các dân tộc một lòng đi theo cách mạng, đi theo Bác Hồ, tôi tin rằng, những tư liệu quí mà Lương Sĩ Cầm đã thu thập được và cho ra mắt độc giả bấy lâu nay, chưa phải là tất cả những gì ông có!


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1