Kể từ khi lên kệ hồi tháng 4/2013, The Cuckoo's Calling đã khiến người đọc và giới xuất bản đoán già đoán non về nhân thân tác giả bí ẩn của nó, người mà từ đầu đến cuối chỉ “trưng” ra mỗi cái tên Robert Galbraith chứ chưa hề xuất hiện. "The Cuckoo's Calling" là câu chuyện trinh thám điều tra về cái chết bí ẩn của một người mẫu nổi tiếng Không được "dán mác" J.K.Rowling như "Vacancy" (Khoảng trống), nhưng "The Cuckoo's Calling" đã nhận được những phản hồi tích cực sau khi sách ra mắt tại Anh. Các nhà phê bình nói nó là “một tiểu thuyết đầu tay rất khá” và ngạc nhiên khi một nhà văn nam lại có thể mô tả trang phục phụ nữ đầy tỉ mỉ và am hiểu như “Galbraith”. Cuốn sách cũng được khen là “thấm đẫm bầu không khí London” khi tác giả đặt nhân vật trong những không gian quen thuộc của thành phố này: khu Mayfair ngột ngạt, các quán rượu nhỏ ở khu East End hay khu Soho nhộn nhịp. Cuốn sách kể về vụ điều tra về cái chết của cô người mẫu nổi tiếng Lula Landry. Cô bị xô xuống khỏi ban công nhà mình vào lúc tờ mờ sáng, cảnh sát không tìm thấy dấu vết hung thủ và mọi người đều cho rằng cô tự sát, kết cục tất yếu của lối sống buông thả, không theo chuẩn mực, lại thêm chứng trầm cảm và tiền sử lạm dụng thuốc. Anh trai cô, John, một mình đi thuê thám tử tư Comoran Strike điều tra lại về cái chết cô em. Tuy nội dung vụ án không quá lắt léo ly kỳ kiểu Sherlock Home, "Con chim khát tổ" vẫn khiến người đọc bất ngờ đến tận đoạn cuối. Tác phẩm gây thích thú ở những chi tiết “ít người biết mà ai cũng thích nghe” như thông tin về giới người mẫu, ca sĩ, mặt trái của sự nổi tiếng, cuộc sống giới thượng lưu sang trọng, những “xù xì” của giới quân nhân, cảnh sát... "Con chim khát tổ" bản tiếng Việt sẽ ra mắt ngày 25/03/2014 Được biết, nhân vật thám tử Comoran Strike sẽ là hình tượng xuyên suốt trong một vài đầu sách tới của J.K.Rowling. Ngay khi "Con chim khát tổ" được xuất bản ở VN (25/3/2014), quyển tiếp theo về Strike là Silkworm (Con tằm) đã chuẩn bị tung ra tại Anh vào mùa hè 2014 với sự kỳ vọng lớn từ công chúng. Tựa sách “Cuckoo” có nhiều hàm ý. Loài chim này không tự làm tổ, mà đẻ trứng trong tổ chim khác, và chim con nở ra liền đạp chim chủ ra khỏi tổ để sinh tồn. Do chim con không hề được dạy tập tính đó, nên chỉ có thể đó là bản chất của loài này. Những nhân vật trong truyện đều có một mái ấm đổ vỡ hoặc méo mó, và đó ít nhiều ảnh hưởng đến hành vi cả đời của họ. The cuckoo’s calling là cụm từ trích từ bài thơ Một khúc bi ca, bài thơ khóc thương sự qua đời của một cô gái khi còn quá trẻ. Như Lula chết tức tưởi năm 23 tuổi, khi vẻ đẹp đang rạng ngời. Trong bản tiếng Việt, có thể thấy nhiều trường đoạn bình luận về phản ứng công chúng trước cái chết của Lula, hay những ngẫm nghĩ của Strike, mà cũng có thể coi là nhận định của tác giả về tình đời và sự hào nhoáng của thế giới showbiz. “Không, ở đây chúng ta không tiếc thương gì cô gái này, bởi cô ta cũng chỉ là một nhân vật tiểu thuyết, không có thật như hình tượng thiếu nữ Gibson mà Dana từng vẽ trên báo. Cái chúng ta khóc thương ở đây chỉ là một hình ảnh chớp nhoáng trên hàng loạt báo biếc và tạp chí bình dân; một hình ảnh từng giúp bán cho chúng ta rất nhiều quần áo, túi xách và cả một quan điểm về danh vọng mà sau cái chết của Lula cũng trở nên vô nghĩa và chóng vánh như bong bóng xà phòng. Cái chúng ta nhớ thương ở đây, nếu ta thật lòng thừa nhận, chính là những câu chuyện đời tư đầy tính giải trí của cô gái mảnh khảnh chịu chơi này; từ chuyện nghiện hút, cuộc sống phóng đãng, áo xống nọ kia và cả người yêu khi có khi không – những câu chuyện mà chúng ta từng ngấu nghiến. “Đám tang của Lula được truyền thông nhắc đến không thua gì đám cưới của các sao trên các tạp chí bóng bẩy lòe loẹt, và ắt hẳn những nhà xuất bản của các tạp chí đó còn tiếc nuối Lula hơn nhiều người khác. Trên tạp chí, chúng ta thấy được các sao khóc Lula ra sao, còn gia đình của cô thì chỉ xuất hiện trong những tấm ảnh bé nhất, chỉ vì họ không được ăn ảnh lắm." Vân Sam
|