Văn học đổi mới từ 1986: 30 năm, không 'điểm danh' được thế hệ?

09:15:00 17/05/2014

Hội thảo “Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế” tại Hà Nội sáng 15/5 đặt mục tiêu “tổng kết thực tiễn văn học Việt Nam 30 năm đổi mới”. Nhưng sau 1 ngày hội thảo, bộ mặt 30 năm đổi mới vẫn chưa hiện hình.

Từ năm 1986, năm cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh chỉ đạo đổi mới, văn học không phải không có thành tựu. Thế nhưng, giới phê bình từ chối đưa ra danh sách tác giả tiêu biểu như với văn xuôi đầu thế kỷ 20 hay Thơ Mới.


Nguyễn Huy Thiệp (phải), một trong những nhà văn nổi tiếng nhất Việt Nam từ thời đổi mới, có mặt trong hội thảo hôm 15/5 nhưng không phát biểu. Ảnh: Mi Ly

Giới sáng tác đã thực hiện vai trò của họ là viết, nhưng ai sẽ vẽ lại “bộ mặt” này cho công chúng biết nếu không phải là giới phê bình? Văn xuôi thế kỷ 20 ghi nhận Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Tuân… Thơ Mới được Hoài Thanh, Hoài Chân ghi nhận Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử…

Điều đó có nghĩa là, ngay từ thế kỷ 20, giới phê bình đã ý thức được rằng chính họ phải “điểm mặt chỉ tên” các thành tựu. Không ngần ngại và không chậm trễ.

Nhưng văn học từ 1986 đến nay (giai đoạn đổi mới), và rộng hơn là sau 1975, có những tên tuổi tiêu biểu nào? Đằng sau câu hỏi đó vẫn là dấu ba chấm, dù lâu nay giới văn chương vẫn có thói quen kể tên Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Ngọc Tư (văn xuôi)…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ với Thể thao & Văn hóa: 'Tôi thấy qua hội thảo, giới phê bình đã nêu ra một số cái tên đổi mới, nhưng chưa gọi tên được cả một thế hệ đổi mới. Dường như còn có sự e ngại.'
Trong hội thảo ngày 15/5, báo chí hỏi tại sao hội thảo không đề ra một danh sách sơ bộ và bàn luận ngay trong chương trình nghị sự, để cho văn học 30 năm qua có một bộ mặt tương đối rõ ràng. Đáp lại, đại diện ban tổ chức là Viện Văn học cho rằng: “Đó là một công việc khó, cần có thời gian kiểm chứng” và hội thảo còn phải bao quát những vấn đề khác.

Nhưng những Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh hay Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp vừa gây sóng gió vừa được ca ngợi trên văn đàn trong và ngoài nước cũng gần 30 năm nay rồi, không hiểu giới phê bình cần thêm bao nhiêu thời gian nữa?

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1