Châu Giang là con sông dài thứ ba ở Trung Quốc, sau sông Dương Tử và Hoàng Hà. So về lượng nước, Châu Giang là con sông lớn thứ hai chỉ sau sông Dương Tử. Theo sử sách, Châu Giang là nơi chứng kiến những thay đổi to lớn của Trung quốc cho đến ngày hôm nay.
Châu Giang được hợp thành từ nhánh sông là Tây Giang bắt nguồn từ huyện Khúc Tịnh, tỉnh Vân Nam, Bắc Giang và Đông Giang chảy qua tỉnh Giang Tây, Quảng Đông. Châu Giang chảy dài hàng ngàn cây số đến Nam Hải. Khu vực hạ lưu Châu Giang là vùng đất phù sa màu mỡ rộng lớn gọi là vùng đồng bằng châu thổ Châu Giang. Châu Giang chạy ra Nam Hải qua tám cửa sông là Hổ Môn, Tiêu Môn, Hồng Kì Môn, Hoành Môn, Ma Đao Môn, Kê Đề Môn, Hổ Khiêu Môn và Ngạn Môn. Có thể mô tả quang cảnh hùng vĩ của dòng Châu Giang trong hai câu "Núi xanh một giọt ba dòng nước/ Dòng đỏ ngàn dặm vào biển Nam" (Thúy phong nhất trích tam giang thủy/ Chu lưu vạn lý nhập Nam dương).
Châu Giang là một trong những "con sông mẹ" của Trung Quốc. Cùng với sông Dương Tử và Hoàng Hà, Châu Giang là cái nôi của nền văn minh rực rỡ và độc đáo của Trung Quốc. Khác với sông Dương Tử và Hoàng Hà là nơi hội tụ của hàng trăm con suối nhỏ chảy quanh co và đổ ra biển, Châu Giang chứng kiến những đổi mới của xã hội và sự giao thoa văn hóa trên diện rộng, tiếp thu những quan điểm xã hội mới và quá trình cải cách, mở cửa ra thế giới. Vùng đất kỳ diệu này cũng là nơi nuôi dưỡng những nhà cải cách đầu tiên với những ý tưởng vĩ đại, những người cống hiến cả đời cho đất nước lúc bấy giờ cũng như cho các thế hệ con cháu về sau. Những người này giữ một vai trò không thể thay thế trong lịch sử đất nước bên hai bờ dòng Châu Giang và mở ra một kỷ nguyên vĩ đại cho sự phát triển của Trung Quốc trong xu hướng phát triển chung của thế giới.