Thời phong kiến, hoàng đế là người đứng đầu đất nước. Lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử Trung Quốc đã từng chứng tỏ có những vị hoàng đế là những người đứng đầu tiêu biểu cho ý chí, tài năng, đạo lý và sự nghiệp đạo đức của cả một dân tộc nhưng cũng đã có không ít những ông vua nhu nhược, hèn kém, sa đọa, tàn bạo từng gây hại cho trăm họ, đặc biệt ở Trung Quốc có rất nhiều ông vua được đưa lên đặt trên ngai vàng từ khi còn rất bé, có khi chỉ mới một, hai tuổi và phần lớn trong họ đều chỉ là những kẻ bù nhìn. Nhưng dù minh quân hay hôn quân thì các hoàng đế vẫn là những người đứng đầu đất nước. Vai trò của các hoàng đế nói chung đã tác động khá rõ rệt đến sự hưng thịnh hay suy đồi của quốc gia xã hội.
Tập sách Các Hoàng Đế Trung Hoa được viết dựa chủ yếu theo các tài liệu của người Trung Quốc, nhưng không phải mọi điều người Trung Quốc viết về lịch sử đất nước họ lại không có những vấn đề lớn đáng phải tranh cãi. Những tài liệu cũ viết về những người như kiểu Vương Mãng, Hoàng Sào coi họ là những kẻ thoán đoạt, là ngụy triều chắc chắn đối với bây giờ là không hợp. Những triều đại được lập nên không phải bởi người Hán mà bởi người các dân tộc khác sống ngoài lãnh thổ Trung Hoa cũ, đem quân đến đánh chiếm đất đai thành trì, rồi thiết lập nên sự thống trị có được coi là những triều đại do người các dân tộc thiểu số thống trị như nhiều nhà sử học Trung Hoa hiện nay viết, hay chính là bị ngoại xâm thống trị? Những cuộc chiến tranh lấn chiếm các quốc gia lân cận có được coi là những chiến công hiển hách hay chính lại là những tội ác đưa tang tóc đau thương đến cho các dân tộc khác?...