Hiến pháp Hoa Kỳ được soạn thảo ngày 17 tháng 9 năm 1787 dựa trên tư tưởng tam quyền phân lập gồm ba nhánh lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Tổng thống), tư pháp (Tòa án) do triết gia người Pháp Montesquieu đề xướng.
Cùng với Tuyên ngôn Độc lập năm 1776, bản Hiến pháp này thể hiện tinh thần khoa học, tiến bộ và nhân bản của người Mỹ trong việc xây dựng một nhà nước cộng hòa đầu tiên trên thế giới trong lịch sử cận đại. Nó tạo ra một chính quyền thống nhất và tập trung hơn chính quyền dưới các điều khoản Liên bang.
Hiến pháp Hoa Kỳ là bản hiến pháp lâu đời nhất và nổi tiếng nhất với trên 200 năm lịch sử. Từ khi được hiệu lực năm 1789, nó đã được tham khảo nhiều lần để làm mô hình cho các hiến pháp của những quốc gia khác. Chính khác người Anh William E. Gladstone ca ngợi Hiến pháp này là “Tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sản sinh ra vào thời đó bởi trí óc và mục đích cao cả.
Cuốn sách Hiến Pháp Mỹ Được Làm Ra Như Thế Nào? đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về sự ra đời của Hiến pháp Mỹ, như một lời lý giải cho rất nhiều người có cùng mối băn khoăn.Vậy Hiến pháp Mỹ đã được làm ra như thế nào? Nó được làm ra trong những cuộc tranh luận nảy lửa tưởng như không có lối thoát và những mối bất đồng sâu sắc, bởi những bộ óc vĩ đại có một không hai trong lịch sử, và bằng một tinh thần mà người ta khó có thể tìm một tính từ nào thay thế ngoài cách gọi - “tinh thần Mỹ”. Đó là sự tôn trọng đặc biệt lẫn nhau, thừa nhận những quan điểm hoàn toàn khác biệt, chấp nhận và cùng thỏa hiệp để đi tới lợi ích chung cuối cùng.
Nội dung cuốn Hiến Pháp Mỹ Được Làm Ra Như Thế Nào? bao gồm những mẩu chuyện rất hấp dẫn về quá trình soạn thảo Hiến pháp, về những cuộc tranh luận cực kỳ gay go và nan giải trong quá trình soạn thảo bản Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787, những bức thư đầy tính nhân bản và trách nhiệm của những người tham sự Hội nghị lập hiến. Đặc điểm của cuốn sách này là không chỉ trình bày những luận điểm hậu thuẫn cho việc thành lập ra Nhà nước Liên bang với tên gọi Hợp chúng quốc Hoa Kỳ như hiện nay mà cả những luận điểm chống lại sự hình thành này, đó là những điều chúng ta chưa hoặc là rất ít có điều kiện biết đến. Có thể nói bản Hiến pháp Hoa Kỳ được xây dựng như ngày nay cũng một phần nhờ những chống đối đó, điển hình là Tuyên ngôn Nhân quyền. Do đó, cuốn Hiến Pháp Mỹ Được Làm Ra Như Thế Nào? có cách tiếp cận về lịch sử lập hiến khá toàn diện, không chỉ góp phần giải thích ý nghĩa của bản Hiến pháp Mỹ mà còn giúp người đọc hiểu được quá trình xây dựng một đạo luật.
“…Chúng tôi cho rằng những sự thật sau đây là hiển nhiên, rằng tât cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Để bảo đảm cho các quyền này, con người thiết lập ra các chính phủ và sức mạnh của chính phủ xuất phát từ sự ưng thuận của nhân dân. Khi một chính phủ nào dó đi ngược lại lợi ích của nhân dân thì nhân dân có quyền thay đổi hay phế bỏ chính phủ đó, và thiết lập một chính phủ mới dựa trên nền tảng những nguyên tắc như vậy…” (Tuyên ngôn Độc lập Mỹ 1776).
“Chúng tôi, nhân dân Hợp Chủng quốc, với mục đích xây dựng một Liên Bang hoàn hảo hơn, thiết lập công lý, đảm bảo an ninh trong nước và sự phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng trong liên minh, giữ vững nền tự do cho bản thân và các thế hệ mai sau, quyết định xây dựng và ban hành bản Hiếp pháp này cho Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ” (Lời mở đầu, Hiếp pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ).
“Những người cha của chúng ta đã mang đến lục đại này một quốc gia mới, công nhận sự tư do và cống hiến cho một mục tiêu cao cả rằng tất cả mọi người được sinh ra đều bình đẳng. Sự thành công của Hội nghị ở Philadelphia chính là việc thiết lập một bản Hiếp pháp để “hình thành một liên minh hoàn hảo hơn, thiết lập sự công bằng, đảm bảo một sự an toàn chung, thúc đẩy sự thịnh vượng chung và bảo đảm tự do cho chính chúng ta và cho sự thịnh vượng của chúng ta” (Tổng thống Abraham Liconln, người giải phóng chế độ nô lệ ở Mỹ).