Trước hết, đây là một cuốn sử biên niên theo nghĩa nó đi xuyên qua lịch sử 30 năm cải cách của Trung Quốc theo một mạch liên tục 30 chương, mỗi năm một chương, với những biến cố đặc trưng, định vị từng năm trong tổng lộ trình 30 năm cải cách. Nhưng cuốn sách này lại không phải là biên niên theo nghĩa ghi chép lại tất cả các biến cố xảy ra theo mọi chiều cạnh và cấp độ. Nó không "đi ngang, về tắt" theo chiều "không gian", không rẽ qua các ngành hay các địa phương cụ thể mà chỉ đi theo lộ trình thời gian, dõi theo từng bước đi của công cuộc cải cách chủ yếu thông qua một tuyến biến cố. Đó là chuỗi "đột phá" do các doanh nhân - "những đứa con đẻ" của cải cách - thực hiện.
Đúng như tên gọi, cuốn sách kể về những "sóng gió" cải cách chứ không "chuyên" mô tả thành công và ngợi ca thành tích với những vần hào quang chói mắt. Nó không "tát nước theo mưa", tung hô Đảng Cộng sản và Nhà nước Trung Quốc theo kiểu hát tụng ca về "người cầm lái vĩ đại". Cuốn sách viết về những sự kiện cải cách mang tính đột phá, gắn với số phận bi kịch của những doanh nhân dám đi tiên phong mở lối. Theo nghĩa đó, cuốn sách đưa ra một định nghĩa có phần khác lạ về sự thành công và tầm vóc của công cuộc cải cách ở Trung Quốc: thắng lợi của cải cách chủ yếu được đo lường bằng việc vượt qua sóng gió, vượt qua những bi kịch cá nhân của những nhà doanh nghiệp tiên phong để thúc đẩy cải cách tiến lên chứ không chủ yếu là những con số đẹp về đầu tư và tăng trưởng.
Cuốn sách không mổ xẻ quá trình cải cách trong tất cả các ngành và mọi lĩnh vực. Các chương mục không "chia phần" dành riêng cho những chủ đề lớn và nóng như "cải cách thể chế", "phát triển thị trường", "quản trị nhà nước", "mở cửa hội nhập" hay "cải cách nông nghiệp - nông thôn", v.v... Nó tập trung vào một "lát cắt hẹp", hầu như chỉ mổ xẻ những "sóng gió" cải cách mà tầng lớp doanh nhân Trung Quốc, con đẻ và là nhân vật trung tâm của quá trình cải cách, phải chịu đựng và đã vượt qua.