Nếu như thập niên 90, phát minh của Robert S. Kaplan và David P. Norton, THẺ ĐIỂM CÂN BẰNG (Balanced Scorecard), trở thành một trong 75 ý tưởng có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX và đã được hàng ngàn công ty trên thế giới áp dụng thành công trong việc triển khai chiến lược doanh nghiệp thành công và nhất quán thì hơn chục năm sau, dựa trên công trình nghiên cứu tại hơn 300 tổ chức, Kaplan và Norton lại tiếp tục đưa ra một công cụ mới mang tính cách tân không kém gì Thẻ điểm cân bằng. Đó là Bản đồ chiến lược (Strategy map).
Kết quả các cuộc nghiên cứu đã cho thấy hơn 75% giá trị thị trường của một doanh nghiệp có nguồn gốc từ những tài sản vô hình, điều mà trước đây các thước đo tài chính truyền thống đã bỏ qua. Với lập luận “Không thể quản lý cái mà bạn không đo lường được”, Kaplan và Norton đã biến Thẻ điểm cân bằng trở thành một công cụ thần kỳ giúp các nhà lãnh đạo quản trị doanh nghiệp theo cách thức từ chiến lược đến hành động. Tiếp nối sự thành công của Thẻ điểm cân bằng, Bản đồ chiến lược là một bước phát triển mới nảy sinh trong quá trình sử dụng các thước đo về tài chính để đánh giá hiệu quả kinh doanh và họach định chiến lược cho doanh nghiệp. Khi phát hiện ra rằng “Không thể đo lường cái mà bạn không thể mộ tả được,” Bản đồ chiến lược hóa ra lại trở thành một cuộc cải cách quan trọng không kém gì Thẻ điểm cân bằng. Áp dụng Bản đồ chiến lược, các nhà lãnh đạo nhận thấy rằng trình bày chiến lược theo các biểu, bản đồ với những mối quan hệ nhân quả qua lại mà người ta có thể nhìn thấy được vừa có tính tự nhiên vừa có sức mạnh thúc đẩy, những điều chỉnh và những quyết sách thích ứng trong kinh doanh. Nhấn mạnh vào tầm quan trọng của Thẻ điểm cân bằng và Bản đồ chiến lược, Kaplan và Norton đã vẽ nên một công thức hay đúng hơn một phương trình giúp các doanh nghiệp thành công trong quản lý và giúp doanh nghiệp có sự phát triển vượt trội. Đó là:
Kết quả vượt trội = Các bản đồ chiến lược + Thẻ điểm cân bằng + Tổ chức tập trung vào chiến lược
Thông qua cuốn sách về Bản đồ chiến lược, Kaplan và Norton đã trình bày cách thức lập nên những bản đồ chiến lược đặc thù tạo điều kiện cho tổ chức:
- Làm rõ chiến lược và truyền đạt chiến lược đến từng thành viên.
- Xác định được những qui trình nội bộ quan trọng thúc đẩy những thành công về mặt chiến lược.
- Liên kết những khoản đầu tư vào nhân sự, công nghệ và nguồn vốn tổ chức để tạo ra ảnh hưởng to lớn nhất.
- Phát hiện các lỗ hổng trong chiến lược, đưa ra những hành động điều chỉnh kịp thời.
Bản đồ chiến lược cung cấp mối liên kết còn thiếu giữa việc hoạch định và triển khai chiến lược, đồng thời là một cẩm nang mô tả, đo lường và kết nối các tài sản vô hình để có được hiệu quả hoạt động vượt trội.
Thế kỷ XXI, đứng trước những thách thức và khó khăn của cuộc khủng hoảng tiền tệ thế giới hơn lúc nào hết quản trị khoa học với những mô hình, phương thức mang giá trị sáng tạo đột phá như Thẻ điểm cân bằng và Bản đồ chiến lược luôn là những ứng dụng cần thiết giúp doanh nghiệp dự báo sớm những rủi ro và có những chiến lược, bước đi phù hợp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh đầy biến động và cạnh tranh như ngày nay.