Chiến lược Đại dương xanh là gì? Các tác giả đã giải thích bằng cách so sánh với chiến lược đại dương đỏ, tức là lối suy nghĩ truyền thống thông thường:
1. ĐỪNG cạnh tranh trong khoảng thị trường đang tồn tại, HÃY tạo ra một thị trường không có cạnh tranh.
2. ĐỪNG đánh bại đối thủ cạnh tranh, HÃY làm cho cạnh tranh trở nên không cần thiết.
3. ĐỪNG khai thác tiếp các nhu cầu hiện có, HÃY tạo ra và giành lấy các nhu cầu mới.
4. ĐỪNG cố gắng cân bằng giá trị/chi phí, HÃY phá vỡ cân bằng giá trị/chi phí.
5. ĐỪNG đặt toàn bộ hoạt động của công ty trong việc theo đuổi sự khác biệt hoặc theo đuổi chi phí thấp, HÃY đặt toàn bộ hoạt động của công ty trong chiến lược vừa theo đuổi sự khác biệt, đồng thời vừa theo đuổi chi phí thấp.
Kỷ nguyên công nghiệp bắt đầu, cũng là lúc các doanh nghiệp phải tham gia vào cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nhằm duy trì sự phát triển và tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, các biện pháp cạnh tranh thông thường và lối tư duy truyền thống trong thị trường đã phân khúc ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh đó, chiến lược gia hàng đầu của thế giới là Giáo sư Michael Porter của trường Đại học Harvard cho rằng: tạo ra sự khác biệt là một trong những cách để một doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Mục tiêu của sự khác biệt là đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua việc tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ được xem là duy nhất, độc đáo đối với khác hàng, thỏa mãn nhu cầu của họ bằng những cách thức mà đối thủ cạnh tranh khác không thể thực hiện được.
Cũng theo hướng đó, các học giả Kim và Mauborgne - hai giáo sư tại Viện INSEAD của Pháp - đã tổng kết các nghiên cứu của họ về một chiến lược phát triển và mở rộng một thị trường trong đó không có cạnh tranh hoặc, sự cạnh tranh là không cần thiết mà các công ty có thể khám phá và khai thác. Họ đặt tên cho các thị trường này là "những đại dương xanh".
Từ việc đặt tên cho các thị trường này, các tác giả đã đưa ra phương thức tiếp cận chiến lược tương ứng. Dựa trên đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các giám đốc sẽ hình thành nên tư duy chiến lược đơn giản: hãy bơi trong luồng nước rộng. Theo đó, các công ty đang phải vật lộn cạnh tranh trong đại dương đỏ sẽ có thể làm tốt hơn nếu học hỏi và làm theo "chiến lược đại dương xanh".
Trước khi tìm hiểu đại dương xanh - một khái niệm còn mới mẻ, hãy thử tìm hiểu xem đại dương đỏ là gì.
Theo mô tả của Kim và Mauborgne, đại dương đỏ là thị trường thông thường, truyền thống, đã bị lấp đầy bởi các đối thủ cạnh tranh và đã được khai thác rất sâu. Trong đại dương đỏ, các ranh giới đã được thiết lập và chấp nhận, quy luật cạnh tranh đều được xác định rõ ràng. Các công ty phải tìm cách vượt trội hơn để chiếm được thị phần lớn hơn trong thị trường. Khi đã có nhiều người nhảy vào thị trường, thị trường này sẽ bị phân khúc ra nhỏ hơn. Do đó, khả năng thu lợi nhuận và tăng trưởng sẽ có đi xuống.
Sự tồn tại của đại dương đỏ là một điều hoàn toàn hiển nhiên. Nhưng khi cung vượt cầu, việc thu hẹp thị trường dẫn tới cạnh tranh gay gắt không đủ đảm bảo cho kết quả kinh doanh cao. Trong bối cảnh cam go đó, người ta đã nghĩ ra một giải pháp, đúng hơn là một tư duy phá bỏ lối suy nghĩ thông thường về chiến lược để thay đổi cục diện này. Đó là: đi tìm một đại dương mới - đại dương xanh.
Đại dương xanh là những khoảng trống thị trường chưa được khai phá, đầy giá trị tiềm năng, còn vô số cơ hội phát triển hứa hẹn lợi nhuận cao. Trong mô hình đại dương này, sự cạnh tranh là chưa cần thiết, bởi luật chơi chưa được thiết lập.
Các tác giả của cuốn sách cho rằng: thực ra, cái gọi là "đại dương xanh" đã tồn tại từ rất lâu. Thử vặn kim đồng hồ ngược lại 30 năm trước đây, những đại dương xanh như: điện thoại di động, công nghệ sinh học, bán lẻ chiết khấu, chuyển phát nhanh, xe tải nhỏ, ván trượt tuyết, video gia đình... chưa hề tồn tại. Điều đó cho thấy, các ngành kinh doanh không bao giờ đứng yên, chúng liên tục được tạo ra và mở rộng. Đó là nguyên lý hình thành nên đại dương xanh.
Trân trọng giới thiệu!