Trong thế giới kinh doanh cực kỳ năng động hiện nay bạn cần cố gắng có được mọi ưu thế. Thành công không chỉ là đưa ra những quyết định đúng đắn hay áp dụng các chiến lược thông minh. Thành công còn phụ thuộc vào khả năng hiểu rõ những gì đang diễn ra xung quanh, nhận ra khi nào người khác đang nói dối mình, hay có thể thuyết phục đồng nghiệp nhân viên hoặc cấp trên để họ lúc nào cũng đồng ý với các ý tưởng của bạn.
Trong Làm Sếp Không Chỉ Là Nghệ Thuật, với đầy ắp những thủ thuật tâm lý được trình bày tỉ mỉ mà bạn có thể áp dụng với bất cứ ai hay bất kì tình huống nào, Tiến sĩ David Lieberman trao cho bạn khả năng giành được những gì bạn muốn bất cứ khi nào bạn cần. Không chỉ là các chiến lược hay nguyên tắc, trong cuốn sách này còn có rất nhiều giải pháp cho những vấn đề kinh doanh của bạn. Và bạn sẽ được trang bị những công cụ tối ưu để điều hành doanh nghiệp của mình.
Nhà lãnh đạo ưu tú không chỉ là người đưa ra quyết định đúng đắn hay chiến lược gia tài ba. Họ phải nắm bắt được những kỹ năng mà không phải trường kinh doanh nào cũng dạy – đó là sức mạnh của thuyết phục và thấu hiểu. Qua cuốn sách Làm Sếp Không Chỉ Là Nghệ Thuật, bạn sẽ làm chủ được những thủ thuật tâm lý để thuyết phục mọi người quanh mình và tạo được một liên minh vững chắc.
Nhờ đó, bạn có thể trở thành nhà lãnh đạo:
- Đọc vị được đồng nghiệp và đối thủ cạnh tranh
- Ngăn chặn những lời đàm tiếu trong văn phòng
- Thúc đẩy tinh thần và giữ chân những nhân viên làm việc siêu hiệu quả
- Quản lý những nhân viên khó tính nhất
- Loại bỏ sự lừa dối trong công việc
- Thuyết phục mọi người cùng cả phòng ban tham gia vào nhóm của bạn
- Làm chủ nghệ thuật tạo dựng lòng tin để mọi người đều thích bạn
- Tạo ra những thay đổi đột phá trong văn phòng mà không vấp phải bất cứ sự chống đối nào?
Với Làm Sếp Không Chỉ Là Nghệ Thuật, bạn có thể thực hiện được tất cả những điều trên, thậm chí còn hơn thế nữa, bằn chính những thủ thuật tâm lý đã được FBI, quân đội Mỹ, các chuyên gia tâm lý, các nhà thương thuyết và các nhà quản trị hàng đầu thế giới áp dụng.
Nếu bạn không học những thủ thuật này, hãy coi chừng: đối thủ cạnh tranh của bạn sẽ làm điều đó.
Về tác giả:
Tiến sĩ David J. Lieberman là tác giả được trao tặng nhiều giả thưởng, được quốc tế công nhận là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về hành vi và các mối quan hệ của con người.
Ông đã xuất bản sáu cuốn sách, tất cả đều được dịch ra 18 thứ tiếng và hai cuốn lọt vào danh sách bán chạy nhất của tờ New York Times. Ông còn là khách mời của hơn 200 chương trình truyền hình như The Today Show, Fox News, PBS và The View. Ngoài ra, ông giảng dạy và tổ chức các cuộc hội thảo về nhiều lĩnh vực trên toàn nước Mỹ.
Trích đoạn sách hay:
Chiến lược 1: Biến Anh ta thành Người Trong Cuộc
Lòng trung thành của một người được cân nhắc bởi việc anh ta cảm thấy mình đang ở phía nào của hàng rào. Nếu bạn đưa anh ta về phía bạn và biến anh ta thành một phần trong đội của bạn, anh ta sẽ cùng bạn chiến đấu và chống lại những người khác. Để biến một người ngoài cuộc thành người trong cuộc, bạn cần phải làm hai việc. Thứ nhất là cho anh ta biết một số thông tin mà chỉ có vài người biết, nhờ đó anh ta sẽ cảm thấy mình là một cá nhân ưu tú và đặc biệt. Tiếp theo hãy cho anh ta quyền được ra một số quyết định nhất định trong tổ chức hay trong đội của bạn.
Chẳng hạn như, khi giám đốc bán hàng thấy một trong số những nhân viên của mình có vẻ như chưa thật sự trung thành. Trong suốt một cuộc nói chuyện cởi mở và riêng tư, vị giám đốc này có thể nói vài điều như: “Chris, tôi muốn anh biết rằng có một vài điều sắp sửa thay đổi. Chúng ta sắp mua được tài khoản XYZ. Điều này chưa được công bố rộng rãi, và tôi muốn được nghe ý kiến của anh.”
Khi Chris đồng ý một cách dễ dàng, vị giám đốc sẽ yêu cầu anh ta tham gia kiểm soát một phần kế hoạch: “Và chúng tôi nghĩ rằng anh có thể một trong số những nhân vật chủ chốt của đội để tìm ra cách tốt nhất để phục vụ họ”. Tại thời điểm này, Chris đã trở thành một thành viên chính trong đội, với một chút quyền lực, còn vị giám đốc thì có một trong số những người ủng hộ ông nhiều nhất.
Bạn thậm chí còn có thể khiến khách hàng làm việc cho bạn và do đó tiếp tục giữ được lòng trung thành của họ bằng cách cho họ biết một số thông tin, chẳng hạn như: “Chúng tôi đang cơ cấu lại phòng dịch vụ khách hàng, và sẽ rất vui nếu bạn giúp chúng tôi đánh giá quy trình xử lý yêu cầu của chúng tôi. Dựa vào một phần phản hồi của bạn, chúng tôi sẽ có đủ khả năng đưa ra những thay đổi hợp lý nhất.”
Khách hàng không chỉ thấy cảm kích khi phản hồi của họ được bạn đánh giá cao mà còn cảm thấy đó thực sự là một nhiệm vụ và sẵn sàng liên hệ với công ty bạn. Hành động tiếp theo mà bạn có thể làm để củng cố lòng trung thành của khách hàng là yêu cầu anh ta xem lại báo cáo phản hồi hàng tháng về dịch vụ khách hàng. (Mỗi nhiệm vụ không nên kéo dài quá 10 phút.)