Cuốn sách có nhiều bài học phong phú, giải thích tại sao và như thế nào mà các ngành công nghiệp, các khu vực và các quốc gia thành công hay thất bại. Cuốn sách đồ sộ, ấn tượng và nổi bật này được cấu trúc sao cho các lãnh đạo doanh nghiệp, nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách và những độc giả bình thường có thể đọc những phần phù hợp nhất với nhu cầu của họ.
Cuốn Lợi thế cạnh tranh quốc gia đã cố gắng lý giải bản chất lợi thế cạnh tranh của các quốc gia khác nhau trong những ngành công nghiệp cụ thể bằng một lý thuyết đơn giản nhưng có khả năng áp dụng rộng rãi. Cuốn sách giới thiệu một khuôn khổ phân tích lợi thế cạnh tranh mới dựa trên sự vận động và tương tác của bốn nhân tố quyết định trong “hình thoi”, đó là: điều kiện các yếu tố sản xuất; các điều kiện cầu; các ngành công nghiệp phụ trợ và liên quan; chiến lược công ty, cấu trúc và cạnh tranh nội địa. Michael Porter cho rằng thành công hay hay thất bại của một quốc gia trong một ngành công nghiệp cạnh tranh quốc tế phụ thuộc vào sự hiện diện và mức độ tinh vi của các nhân tố quyết định trong “hình thoi” và một quốc gia chỉ thành công khi nó khai thác được những thuận lợi và nâng cấp được lợi thế để vượt qua những bất lợi về các nhân tố. Lợi thế cạnh tranh lâu dài chỉ có thể đạt được nhờ đổi mới và nâng cấp liên tục lợi thế cạnh tranh.
Cuốn sách được kết cấu thành bốn phần chính. Trong phần I, tác giả tập trung trình bày nội dung của lý thuyết “hình thoi”, vai trò của từng nhân tố cũng như sự tương tác giữa chúng. Thành công của một số ngành công nghiệp điển hình tại Đức (ngành in), Ý (ngành gạch men gốm), Mỹ (ngành thiết bị kiểm tra bệnh nhân) và Nhật (ngành chế tạo robot) và một số ngành dịch vụ được soi rọi thông qua lăng kính của “hình thoi” trong phần II. Trong phần III, cuốn sách sử dụng mô hình “hình thoi” để phân tích thành công và thất bại của các quốc gia công nghiệp như Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Ý, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Hàn Quốc. Cuối cùng, trong phần IV, cuốn sách phân tích những hàm ý của lý thuyết đối với chiến lược của các công ty, chính sách của chính phủ và những thay đổi cần thiết mà các quốc gia tiên tiến phải tiến hành để duy trì và nâng cấp lợi thế cạnh tranh.
Mặc dù là một cuốn sách học thuật, “Lợi thế cạnh tranh quốc gia” không đòi hỏi bạn đọc phải có kiến thức sâu rộng về kinh tế để có thể nắm bắt những ý tưởng chính trong sách. Dẫu vậy, cuốn sách đòi hỏi ở bạn đọc một chút kiên nhẫn. Bởi nội dung toàn bộ cuốn sách đều xoay quanh lý thuyết “hình thoi” với bốn nhân tố quyết định lợi thế cạnh tranh, có thể bạn đọc đôi khi sẽ có cảm giác cuốn sách quá dài, bị trùng lặp và lẽ ra có thể rút ngắn lại. Càng đọc, bạn đọc sẽ càng bị lôi cuốn bởi vô vàn những ví dụ minh họa cụ thể về thành công và thất bại của các ngành công nghiệp và các quốc gia, dưới góc nhìn hết sức rõ ràng, đơn giản và nhất quán của “hình thoi”. Các nhà doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, sinh viên các ngành kinh tế và những bạn đọc quan tâm khác sẽ tìm thấy ở cuốn sách này những bài học bổ ích và quan trọng hơn là một công cụ phân tích những lợi thế và bất lợi trong cạnh tranh hết sức đơn giản nhưng hiệu quả, đặc biệt khi Việt Nam đã bước chân vào sân chơi cạnh tranh tòan cầu. Chẳng hạn, ở tầm vĩ mô, cuốn sách sẽ giúp trả lời những câu hỏi: Việt Nam có thể cạnh tranh trong những ngành nào? Làm thế nào để xây dựng lợi thế cạnh tranh trong một ngành nhất định? Ở cấp thấp hơn, cuốn sách cũng giải đáp những băn khoăn về lợi thế cạnh tranh của các địa phương và các doanh nghiệp cụ thể. Chẳng hạn, Hà Nội có lợi thế cạnh tranh trong ngành gì? Hay một công ty nên đặt cơ sở sản xuất ở đâu để có lợi thế cạnh tranh. Lựa chọn đúng những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho lợi thế cạnh tranh chính là con đường mỗi doanh nghiệp nói riêng và đất nước ta nói chung có thể vươn lên cạnh tranh trên trường quốc tế.
MỤC LỤC:
Lời giới thiệu
Lời nói đầu
Lời người dịch
1. Sự cần thiết có một mô hình mới
Phần I. Cơ sở lý thuyết
2. Lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trong những ngành công nghiệp tòan cầu
3. Những nhân tố quyết định lợi thế cạnh tranh quốc gia
4. Sự vận động tương tác của lợi thế quốc gia
Phần II. Các ngành công nghiệp
5. Bốn nghiên cứu về lợi thế cạnh tranh quốc gia
6. Lợi thế cạnh tranh quốc gia trong các ngành dịch vụ
Phần III. Các quốc gia
7. Các hình mẫu lợi thế cạnh tranh quốc gia: Những người chiến thắng trong thời kỳ đầu hậu chiến
8. Những quốc gia nổi lên trong những năm 1970 và 1980
9. Sự chuyển dịch lợi thế quốc gia
10. Sự phát triển sức cạnh tranh của các nền kinh tế quốc dân
Phần IV. Những hàm ý và áp dụng lý thuyết
11. Chiến lược công ty
12. Chính sách của chính phủ
13. Chương trình hành động của các quốc gia
Lời bạt
Phụ lục A: Phương pháp lập biểu đồ tổ hợp
Phụ lục B: Số liệu bổ sung về các hình mẫu thương mại quốc gia
Trân trọng giới thiệu!