Đây là quyển sách đã được dịch ra 15 thứ tiếng và bán ra hơn 200.000 bản trong thời gian gần đây của hai tác giả Adrian Gostick và Chester Elton, những người đã và đang là những nhà quản lý và tư vấn thành công tại Mỹ nhờ triết lý quản trị đang trở thành thương hiệu độc quyền của họ: “Bí quyết củ cà-rốt”.
Cà-rốt là loại rau củ hầu như không thể thiếu trong bữa ăn của các gia đình Âu – Mỹ. Sở dĩ cà-rốt chiếm vị trí quan trọng như thế trên bàn ăn của họ là vì, như đa số chúng ta đều biết, nó là loại thực phẩm bổ dưỡng chứa nhiều loại vitamin thiết yếu có thể giúp cơ thể duy trì sức khỏe và sự thông minh.
Nếu cà-rốt cần thiết cho mọi người, mọi giới, mọi lúc, mọi nơi thì việc động viên, tuyên dương hay khen thưởng, theo Gostick và Elton, cũng thế. Thật vậy, một lời khen chân thành, đúng lúc có thể biến một người bình thường thành người có khả năng kỳ diệu, vượt qua mọi suy đoán và tưởng tượng. Một phần thưởng thỏa đáng, đúng người, đúng lúc không những giúp công ty giữ chân nhân viên giỏi mà còn là một đòn bẩy hữu hiệu để tăng năng suất lao động và duy trì sự phát triển bền vững của công ty, tổ chức.
Bằng một câu chuyện ngụ ngôn hiện đại và những diễn dịch hết sức gần gũi, sinh động, Gostick và Elton sẽ cho chúng ta thấy tầm quan trọng thực sự của “cà-rốt” trong việc khơi dậy những tiềm năng to lớn đang ngủ yên trong đội ngũ nhân viên.
Hy vọng rằng, tập sách nhỏ này sẽ đem đến cho bạn một cái nhìn mới mẻ và thật sự đột phá trong công tác hoạch định chiến lược phát triển trước xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Sách do First News thực hiện, phát hành tại Nhà sách Trí Việt (11H Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, TP. HCM, ĐT: 8227979) và các nhà sách trên toàn quốc, giá 24.000 đồng.
First News
*****
VỀ CÁC TÁC GIẢ
|
Hai tác giả của cuốn sách: Adrian Gostick và Chester Elton |
Adrian Gostick và Chester Elton, hai chàng “Hiệp sĩ Cà-rốt” đồng sở hữu bí quyết khen thưởng nhân viên đơn giản nhưng hiệu quả đã truyền cho chúng ta một thông điệp có thể làm thay đổi căn bản quan niệm kinh doanh và phương thức quản lý nguồn tài nguyên quý báu nhất trong mọi tổ chức: Con người.
Hai ông còn là đồng tác giả của các quyển sách chuyên về kinh doanh bán chạy nhất và được hoan nghênh nhiệt liệt: Managing with Carrots (Quản trị bằng Khen thưởng), A Carrot A Day (Mỗi ngày một phần thưởng). Hai ông được các tờ Wall Street Journal và Business Week xếp vào hàng các tác giả best-seller tại Mỹ.
Adrian Gostick:
Adrian Gostick được tờ Canada Post gọi là “Nhà khởi xướng các chính sách khen thưởng nhân viên”. Các tác phẩm của ông được tờ New York Times đánh giá là “mới mẻ và sáng tạo”. Quyển sách mới nhất của ông, Integrity Works(tạm dịch: Những công việc của lòng chính trực), được viết chung với nhà nghiên cứu Dana Telford của Đại học Harvard và được J.W. Marriott III viết lời tựa. Sách của ông đã được dịch sang 15 thứ tiếng với hàng trăm ngàn bản được bán ra khắp thế giới. Ông là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tư vấn khen thưởng nhân viên. Adrian là cố vấn cho tờ USA Today, nhật báo Investor’s Business và hàng chục ấn bản chuyên ngành quản trị kinh doanh khác. Các tác phẩm của ông cũng được trích giới thiệu trên các đài ABC, CNBC và Đài phát thanh Hoa Kỳ - VOA.
Ông là nhà báo được trao tặng nhiều giải thưởng lớn. Hiện nay, Adrian Gostick là Giám đốc giao tế Công ty O.C. Tanner, một công ty chuyên về tư vấn khen thưởng nhân viên hàng đầu thế giới, đồng thời còn là thành viên hội đồng cố vấn của tạp chí Human Capital. Andrian Gostick lấy bằng Thạc sĩ quản trị tại Đại học Seton Hall, nơi ông thường được mời làm giáo sư thỉnh giảng. Các bạn có thể liên lạc với ông theo địa chỉ: adrian.gostick@octanner.com.
Chester Elton:
Cũng như Adrian Gostick, Chester Elton luôn là chủ đề bình luận của nhiều tờ báo, trong đó có tờ New York Times và tờ nhật báo Wall Street Journal. Tờ Canada Post cũng phong ông là “Nhà khởi xướng các chính sách khen thưởng nhân viên”. Larry King, Chủ tịch Hãng thông tấn CNNgọi ông là “một tác giả đáng đọc”. Chester giữ chức Phó Chủ tịch Công ty O.C. Tanner và cùng làm việc với Adrian. Ông là một thuyết trình gia có hàng vạn khán thính giả từ Bắc Kinh đến Budapest (Hungary), từ Singapore đến Seatle, và tại các cuộc hội nghị thường niên của Hiệp hội Quản trị Nguồn Nhân lực, Diễn đàn Thi đua Khen thưởng Quốc gia, Chương trình Thi đua Khen thưởng Thành phố New York, Hội đồng Thi đua Khen thưởng Thành phố Chicago, và nhiều diễn đàn khác nữa. Ông là nhà tư vấn về các chính sách khen thưởng nhân viên cho nhiều khách hàng thuộc 500 công ty hàng đầu. Sách của ông thường được giới thiệu và trích dẫn trên các chương trình phát thanh và truyền hình nước Mỹ về đề tài quản trị nguồn nhân lực. Địa chỉ e-mail của ông là: chester.elton@octanner.com.
*****
Lời đề tựa của tác giả:
TẠI SAO BẠN CẦN “BÍ QUYẾT CỦ CÀ-RỐT”?
Chảy máu chất xám ngày nay đã trở thành vấn đề nổi cộm mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt. Ở Bắc Mỹ, ngay vào thời kỳ kinh tế suy thoái nhất, tỷ lệ nhân viên thay đổi chỗ làm trung bình cũng ở mức 20%, và mỗi công ty chúng tôi có dịp tiếp xúc đều cho rằng: việc giữ được nhân viên giỏi (nhất là sau các đợt sa thải) là một vấn đề rất đau đầu. Kết quả khảo sát cho thấy hơn 60% lao động không cảm thấy gắn bó với nơi làm việc hiện tại và cũng không có ý định kéo dài quá hai năm.
Thật khó mà tưởng tượng cái giá phải trả khi để mất những nhân viên có năng lực thực sự. Không ít công ty khi thử làm một phép tính đơn giản đã phải sửng sốt trước những thiệt hại tài chính khổng lồ. Nào là chi phí tuyển dụng, huấn luyện đào tạo, phụ cấp đi lại, trợ cấp học nghề, bảo hiểm… cho những người mà chúng ta chưa biết có thể làm được gì cho công ty hay không, hay họ lại ra đi sau đôi ba tháng thử việc và để lại cả một mớ bòng bong. Đó là còn chưa kể các loại chi phí vô hình. Chẳng hạn như, khi một nhân viên giỏi nghỉ việc, bạn sẽ mất đi một tấm gương sáng và chắc chắn những người còn lại sẽ không khỏi thắc mắc: “Có chuyện gì thế nhỉ? Tại sao công ty lại mất những người giỏi như thế?”
Dĩ nhiên, nhiều nhà quản lý đã cố trấn an rằng dù sao doanh số của công ty vẫn rất lạc quan. “Chúng tôi sẽ tìm những người mới và họ sẽ mang lại những ý tưởng mới.”Có lẽ ý kiến này sẽ đứng vững nếu như người ra đi chỉ là những nhân viên kém cỏi. Rủi thay, những người yếu kém thường không tự ý thôi việc, mà thay vào đó lại là những nhân viên xuất sắc, có nhiều ý tưởng sáng tạo, hoặc là những người có khả năng thu hút vô số khách hàng mới cho công ty. Đó mới là những người làm nên những điều kỳ diệu và chỉ có họ mới là người có quyền lựa chọn nơi làm việc.
Vậy, làm thế nào để giữ được họ?
Bạn hãy áp dụng “Bí quyết củ cà-rốt”!
|
Biểu tượng loạt sách viết về chủ đề Khen thưởng Nhân viên của Gostick & Elton |
Ở đây, chúng tôi xin không bàn đến các khoản bổng lộc đặc biệt hấp dẫn có giá trị từ bảy con số trở lên dành cho những người có đầu óc kinh bang tế thế. Chúng tôi chỉ muốn nói đến “những củ cà-rốt” nhỏ bé, hay nói cách khác, đó là những sự tuyên dương khen thưởng và công nhận thành tích nhân viên. Chính những “củ cà-rốt” đó sẽ làm cho nhân viên khó lòng rời bỏ công ty. Hãy suy gẫm về vấn đề sau: Bất kỳ ai cũng có thể không chút hối tiếc từ bỏ một công việc tốt để nhận lấy một cơ hội khác tốt hơn. Họ sẵn sàng từ bỏ một chiếc xe hơi đời mới, hay một văn phòng làm việc đầy tiện nghi, để đến với một công ty nào đó mà họ có thể phát huy cao nhất năng lực của mình và được công nhận đúng mức.
Daniel Horne, Trưởng khoa Tiếp thị của trường Providence, cho biết: “Có những lời nói không mất tiền mua, hay những phần thưởng tuy khiêm tốn, nhưng lại có thể góp phần tạo ra một môi trường làm việc mà nhiều người muốn gắn bó. Đồng thời, cũng có rất nhiều khoản chi phí thực tế và vô hình mà công ty phải gánh chịu khi một nhân viên giỏi nghỉ việc, nhất là những hệ lụy lâu dài từ sự ra đi của họ.”
Tuy nhiên, rất hiếm khi chúng ta thấy các nhà quản lý chủ động suy nghĩ về hiệu quả của việc công nhận thành tích nhân viên. Kết quả là gì? Hãy xem một dẫn chứng sau đây:
Tại một công ty khai thác khoáng sản vùng Tây Bắc, có một chuyên gia tiếp thị mới vào làm việc được vài tháng. Anh ấy thực sự là một chuyên gia giỏi, rất sáng tạo và có một bầu nhiệt huyết lớn. Nhưng rồi anh lại quyết định ra đi chỉ sau vài tháng ngắn ngủi. Chúng tôi đã gặp và trò chuyện cùng anh ấy.
Vị chuyên gia này thừa nhận rằng tiền lương ở công ty mới không khá hơn, anh lại còn phải chuyển cả gia đình đến chỗ mới xa hơn cả ngàn cây số. Nhưng ở nơi làm việc mới, anh cảm thấy mình được trân trọng hơn. Thì ra đó là ngọn nguồn quyết định của anh.
Anh kể: “Chúng tôi có một cuộc họp nội bộ về một dự án đang tiến hành. Sau đó, để giới thiệu dự án ra trước công chúng, tôi đã nỗ lực hết mình để đưa nó vào chương trình truyền hình của Oprah nhằm tạo tiếng vang và thu hút sự quan tâm của công luận. Chương trình được thực hiện một cách hoàn hảo, các sếp lớn của tôi có cơ hội đánh bóng tên tuổi và để lại những ấn tượng vô cùng tốt đẹp với hàng triệu khán thính giả trực tiếp, cũng như gián tiếp, qua màn ảnh nhỏ. Vậy mà nửa lời cảm ơn dành cho tôi cũng không có. Hình như việc thừa nhận công sức của tôi là một cực hình đối với họ!”
Bạn thấy đó, mọi thứ đều có thể sẽ khác đi nếu có một lời khích lệ đúng lúc!
Và đây không phải là một vấn đề cá biệt. Rick Beal, cố vấn cấp cao của Watson Wyatt, cho biết: Theo một kết quả nghiên cứu năm 2000, chỉ có 24% các nhà lãnh đạo xem việc khen thưởng là công cụ ghi nhận thành tích và giữ chân nhân viên của mình. Ông còn cho biết thêm: “Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm và việc tiết giảm chi phí là yêu cầu cấp bách, nhưng sự khan hiếm lao động chất lượng cao đòi hỏi người sử dụng lao động phải hết sức năng động và sáng tạo trong việc đưa ra những chính sách khen thưởng xác đáng, nếu họ muốn giữ được các nhân viên giỏi.”
Ở cấp độ doanh nghiệp, sau nhiều năm làm việc cùng những răn đe và tâm lý lo sợ bị mất việc, nhân viên không còn ý định cống hiến lâu dài cho công ty nữa.
Và đó thực sự là một cuộc chiến rất gay go. Những cuộc sa thải, cắt giảm nhân viên hàng loạt và cơ cấu lại quy trình sản xuất dẫn tới những tổn thất về nguồn nhân lực và làm thị trường lao động toàn cầu ngày càng trở nên nóng bỏng hơn. Một bài báo mới đây trên tờ New York Times chỉ ra rằng gần 1/4 người lao động trên toàn nước Mỹ đã phải nỗ lực đến kiệt sức. Một nửa trong số đó cho rằng nơi làm việc của họ chỉ là chỗ để nghe những lời quát tháo và xúc phạm. Một phần ba những người đi làm thường xuyên bị mất ngủ vì áp lực công việc.
Nếu ở vào những thời kỳ trước, có lẽ nhân viên đã rầm rộ đình công. Nhưng ngày nay đã khác, nhà triết học hiện đại Homer Simpson nhận xét: “Nếu không thích công việc của mình, họ cũng sẽ không đình công. Nhưng họ chỉ làm việc với một nửa năng suất mà thôi!”
Để cải thiện tình hình này, bạn nên áp dụng “Bí quyết củ cà-rốt”, bởi chúng sẽ giúp bạn và nhân viên một cách hiệu quả, cả trong sự phát triển năng lực cá nhân và vì mục tiêu tăng trưởng bền vững của công ty.
Mong rằng khi đọc quyển sách này, bạn sẽ tìm thấy sự hứng khởi và hấp dẫn từ hương vị của “cà-rốt”, hương vị của thành công!
- Adrian Gostick và Chester Elton