Đây là cuốn sách khám phá những kinh nghiệm và kỹ năng tương đồng của những nhà quản lý tài ba, cuốn sách là công cụ hỗ trợ hữu hiệu cho các doanh nhân trên con đường đi tới thành công.
Một nhà quản lý giỏi cần phải biết những gì, làm những gì hay nói những gì để làm tốt công việc quản lý? Cuốn sách này sẽ trả lời câu hỏi đó và chỉ ra cho bạn cách thức tự điều chỉnh bản thân để trở thành nhà quản lý giỏi. Có một điều khá lý thú là hầu hết những nhà quản lý giỏi đều có một số kỹ năng cơ bản tương đối giống nhau. Cuốn sách này sẽ giới thiệu những kỹ năng đó và chỉ ra cách thức giúp bạn biến chúng thành kỹ năng của chính mình.
Cuốn sách này dành cho những nhà quản lý giữ nhiều trọng trách, những người phải xử lý những mối quan hệ đa chiều: với nhân viên, với khách hàng và cả với lãnh đạo cấp cao nhất. Đây chính là cuốn sách chắt lọc những kinh nghiệm quý báu của những nhà quản lý hàng đầu và đúc kết thành những kỹ năng thiết yếu mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng được.
Cuốn sách đề cập những chủ đề:
- Quản lý con người: Thực tế là có rất ít người làm công tác quản lý được đào tạo cách thức xử lý những vấn đề phức tạp liên quan đến con người. Trong khi đó, bất kỳ một quyết định sai lầm nào cũng có thể khiến ai đó bị tổn thương. Ý nghĩ này có thể khiến bạn lo lắng. Vậy làm thế nào bạn biết chắc được rằng mình đã giải quyết hợp lý mọi tình huống?
- Khả năng lãnh đạo: Ở cương vị quản lý, bạn không chỉ đơn thuần làm công việc quản lý. Nhân viên, những người trong nhóm mong muốn ở bạn những câu trả lời, những chỉ dẫn và sự khích lệ động viên. Nhưng làm người quản lý giỏi thì cần phải là một nhà lãnh đạo giỏi. Vậy cần phải làm gì để được mọi người nhìn nhận vừa với tư cách một người lãnh đạo vừa với tư cách một nhà quản lý?
- Văn hoá: Có những tập thể hay các nhóm làm việc có tinh thần đồng nhất rất cao. Có thể thấy rất rõ điều đó ở tính kỷ luật, tính thống nhất và có định hướng. Vậy làm thế nào để duy trì và phát huy bản sắc văn hóa tập thể?
- Quản lý những người ở những cương vị khác nhau: Mỗi một nghề (ví dụ như luật sư, nhân viên kỹ thuật, chuyên gia công nghệ thông tin, nhân viên kinh doanh, nhà tư vấn…) đều có những đặc trưng và khó khăn riêng. Tương tự như vậy, trong một tập thể, những người đi đầu và những người hỗ trợ cũng có những đặc trưng và khó khăn riêng. Vậy làm thế nào có thể quản lý được những người ở những vị trí khác nhau?
- Cơ cấu tổ chức: Khi quy mô của nhóm càng tăng thì áp lực đối với nhà quản lý sẽ càng lớn. Vậy làm sao đối phó được với những áp lực đó?
- Quản lý hoạt động kinh doanh: Cho dù không có trách nhiệm cụ thể nào về tài chính liên quan đến lợi nhuận hay thua lỗ thì công việc của một nhà quản lý vẫn phải làm sao đưa sản phẩm hay dịch vụ mà công ty cung cấp ra thị trường, đến được với người tiêu dùng. Vậy có những nguyên tắc quản lý hoạt động kinh doanh nào hữu ích, có thể áp dụng được không?
- Ứng xử với cả tổ chức: Nếu một bộ phận hoạt động tốt hơn hẳn các bộ phận khác trong công ty thì các bộ phận khác sẽ coi đó là một sự đe dọa. Khi đó, tất yếu sẽ xuất hiện những ý tưởng xuất phát từ chính trong tổ chức nhằm cản trở bước tiến tốt của bộ phận này. Trong trường hợp đó, nhà quản lý phải đóng vai trò làm người trung gian để can thiệp và điều tiết mối quan hệ giữa công ty này và các công ty khác trong tổ chức cũng như với cả tổ chức đó. Nóng nảy không phải là cách giải quyết vấn đề. Vậy cách giải quyết đúng đắn là gì?
- Khoảng cách giữa biết - nói - làm: Quả thực là giữa lý thuyết và thực hành quản lý có một khoảng cách rất xa. Những tình huống thực tế được trình bày trong cuốn sách này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách đó.