Quản trị kinh doanh các loại hình cơ sở lưu trú là một ngành phát triển liên tục trong sự đa dạng hóa, phong phú hóa sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng yêu cầu của các thời đại. Nhưng trong các loại hình cơ sở lưu trú thì loại hình “Khu nghỉ dưỡng” (Resort) lại mang tính “động” hơn. Điển hình là ở Việt Nam, trước 1990, chúng ta chưa có cơ sở nào xứng đáng để đáp ứng các tiêu chí của một “Khu nghỉ dưỡng”, mặc dù chúng ta có rất nhiều “khách sạn biển”. Trong các năm đầu thế kỷ XXI, hàng ngàn Khu nghỉ dưỡng thi nhau xuất hiện khắp Duyên hải miền Trung, và Mũi Né được giới trẻ trên thế giới gọi là “Thủ đô Resort” của Việt Nam.
Vì loại hình kinh doanh Khu nghỉ dưỡng rất mới mẻ, nên nhiều người trong chúng ta cứ nghĩ việc kinh doanh Khu nghỉ dưỡng và Khách sạn giống nhau. Sự thực là có nhiều khác biệt, khác biệt trong kiến trúc và xây dựng cơ sở hạ tầng, khác biệt trong xây dựng sản phẩm, khác biệt trong cách bán phòng, trong thái độ phục vụ, trong các dịch vụ...
Tác giả, ThS. Sơn Hồng Đức, người có kinh nghiệm hoạt động và giảng dạy trong ngành khách sạn, nhà hàng và khu nghỉ dưỡng từ những năm 1980, với tư cách là người trong ban Lãnh đạo Saigon Floating Hotel, một khách sạn quốc tế, điều hành theo phong cách quốc tế đầu tiên ở Việt Nam sau thời kỳ mở cửa, đóng góp những trải nghiệm, thực tế qua tác phẩm Quản trị Kinh doanh Khu nghỉ dưỡng: Lý luận và Thực tiễn.
Trong Phần Một, tác giả nêu lên “Cơ sở lý luận” làm nền cho việc quản lý kinh doanh một Khu nghỉ dưỡng quốc tế, từ lịch sử hình thành ở thời La Mã, xuyên suốt qua nhiều giai đoạn, các biến thể ở thế kỷ XX. Đặc biệt là khi Công nghệ thông tin được đưa vào sử dụng và đem lại các thuận lợi cho người quản lý và người làm công tác Marketing.
Trong Phần Hai, tác giả nêu lên các khía cạnh thực tiễn trong quản trị kinh doanh khu nghỉ dưỡng, đặc biệt là các sản phẩm “phi truyền thông”, mà tác giả có dịp nghiên cứu ở các nước Đông Nam Á, Úc và Việt Nam, những nơi mà tác giả có cơ hội thực tập quản lý trước khi về tham gia ban Lãnh đạo Saigon Floating Hotel.
Nhưng điều quan trọng mà tác giả muốn gởi đến người đọc là giữa các bên có liên quan: Chính quyền địa phương - chủ cơ sở và người dân cần đạt được sự cân bằng giữa các giá trị kinh tế và môi trường, giữa lợi ích và trách nhiệm xã hội của chủ đầu tư khu nghỉ dưỡng, giữa tận thu và hợp tác để có sự phát triển bền vững.