Từ góc nhìn tâm lý học, có thể đặt ra một số câu hỏi sau đây: “Tại sao có ít ý tưởng sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam?”; “Số ý tưởng được sinh ra đã ít như vậy mà tại sao không nhiều nhiều ý tưởng trong số đó được áp dụng vào thực tiễn?”; “Liệu có nguyên nhân nào đó trong bầu không khí tổ chức, cấu trúc tổ chức, các chức năng lãnh đạo, năng lực đội ngũ hay cơ chế phối hợp cố gắng cá nhân hay không? Từ những trăn trở như vậy, Đề tài đã đặt ra và trả lời 4 câu hỏi sau đây: (1) Cơ sở lý luận nào cho sáng tạo, đổi mới của tổ chức? (2) Hiện trạng sáng tạo, đổi mới của tổ chức trong các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào? (3) Những yếu tố nào tác động (tích cực hay tiêu cực) đến sáng tạo, đổi mới của tổ chức trong doanh nghiệp Việt Nam? (4) Có thể cải thiện được tình hình sáng tạo, đổi mới của tổ chức như thế nào?
Chương I của cuốn sách đã xác định những vấn đề bản chất của sáng tạo cá nhân như một quá trình, như dòng sáng tạo của Csikszentmihalyi (1996), theo lý thuyết thành tố sáng tạo của Amabile (1983, 1996) và như hoạt động tư duy giải quyết vấn đề mới. Đây là những kiến thức nền tảng cho việc giải quyết vấn đề sáng tạo của tổ chức ở các chương sau.
Chương II phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn về tính sáng tạo của tổ chức và kết quả các nghiên cứu đã có ở nước ngoài. Tính sáng tạo của tổ chức được coi là năng lực đưa ra ý tưởng mới và áp dụng ý tưởng mới vào thực tiễn tổ chức và được đánh giá thông qua các thành tố động cơ, quá trình và sản phẩm sáng tạo. Trong chương này các tác giả đã điểm qua các mô hình sáng tạo đã được đề xuất trong các nghiên cứu của nhiều học giả. Đặc biệt, chương này nhấn mạnh các yếu tố tác động tới tính sáng tạo của tổ chức như nguồn nhân lực sáng tạo của tổ chức, đặc điểm về cấu trúc và quản lý, văn hóa tổ chức và các chức năng lãnh đạo.
Chương III phân tích kết quả nghiên cứu hiện trạng tính sáng tạo của tổ chức trong doanh nghiệp Việt Nam thông qua khảo sát 30 doanh nghiệp bằng các phương pháp bảng hỏi, trắc đạc tâm lý, phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn nhóm, nghiên cứu sản phẩm và nghiên cứu trường hợp. Chương này còn phân tích các mối quan hệ của tính sáng tạo của tổ chức trong doanh nghiệp với các yếu tố ảnh hưởng, đưa ra các nghiên cứu điển hình trong các doanh nghiệp được khảo sát.
Chương IV đề xuất 4 nhóm biện pháp tăng cường tính sáng tạo, đổi mới của tổ chức trong doanh nghiệp: (1) đổi mới cấu trúc tổ chức, thay đổi cơ chế quản lý, tăng cường các chức năng lãnh đạo; (2) thay đổi văn hóa và bầu không khí của tổ chức; (3) tăng cường nguồn nhân lực sáng tạo và (4) tăng cường hoạt động nhóm.
Có thể nói đây là công trình nghiên cứu đầu tiên từ góc độ tâm lý học về tính sáng tạo của tổ chức trong doanh nghiệp Việt Nam. Cuốn sách là tài liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, học viên cao học và, đặc biệt, cuốn sách sẽ rất hữu ích cho các nhà quản lý trong các doanh nghiệp, những người muốn phát triển sản xuất, kinh doanh trên cơ sở sáng tạo và đổi mới.
Trân trọng giới thiệu!