Trong 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, "Lộc Đỉnh Ký" là tác phẩm mang nhiều biệt sắc nhất. Trực tiếp phản ánh đời sống xã hội với các mâu thuẩn chính trị - văn hóa ở Trung Quốc cuối thế kỷ XVII, khi nhà Thanh của người Mãn Châu đang từng bước Hán hóa để rồi trở thành một vương triều chính thức của quốc gia phong kiến Trung Hoa. Tác phẩm này là một bộ tiểu thuyết võ hiệp dã sử độc đáo trên cả hai phương diện nội dung và thi pháp. Bởi vì khác với nhiều tiểu thuyết võ hiệp, "Lộc Đỉnh Ký" không phản ảnh cuộc sống của các nhân vật võ lâm với các mâu thuẩn cá nhân hay phe phái giữa họ mà là phản ảnh đời sống xã hội Trung Hoa đầu thời Thanh với các mâu thuẫn chính trị - văn hóa có thật của lịch sử, và cũng khác với nhiều tiểu thuyết võ hiệp, các mâu thuẫn chủ yếu trong "Lộc Đỉnh Ký" lại được giải quyết với sự tham gia không phải của các hiệp khách võ công cao cường, nhân tâm hiệp cốt mà là của một nhân vật vừa không võ vừa ít hiệp là Vi Tiểu Bảo, một nhân vật mà lai lịch và hành trạng, số phận và tính cách đã phá tung các khuôn mẫu cố hữu của tiểu thuyết võ hiệp thông thường.
Có thể nói qua "Lộc Đỉnh Ký" của Kim Dung đã khơi lên nhiều vấn đề của một thế giới hiện đại trong đó các yếu tố thiện ác chính tà không ngừng đan xen vào nhau để phát triển và chuyển hóa, đồng thời cũng góp phần đẩy tiểu thuyết võ hiệp phát triển thêm một bước trên con đường phản ảnh thế giới và nhân sinh.
Trích đoạn
"Gió Bắc đìu hiu , tuyết rơi lả tả . Mặt đất đóng thành băng
Một đội Thanh binh tay cầm gươm đao áp giải bảy cổ tù xa tắm mưa gội tuyết nhằm phía Bắc mà tiến đang đi trên đường lớn gần Hải Tân ở Giang Nam .
Trong ba cổ tù phía trước có ba người đàn ông đều ăn mặc theo kiểu thư sinh . Ba người này là một lão già đầu tóc bạc phơ , và một người vào hạng đứng tuổi .
Trong bốn cổ xe sau tù phạm đều là nữ nhân .
Trong chiếc xe sau cùng có một thiếu phụ tay bồng một đứa bé gái nhỏ . Con nhỏ la khóc om sòm , má nó dổ thế nào nó cũng không nín .
Một tên quân đi bên xe tức quá vừa đá vào thành xe "binh binh" vừa lớn tiếng quát :
-Mi mà còn khóc hoài thì lão gia sẽ đá chết tươi .
Ðứa nhỏ sợ quá càng khóc thét lên .
Dưới thềm một tòa nhà lớn cách đường cái quan chừng mấy chục trượng có hai người sóng vai đứng đó . Một người là văn sĩ trung niên và một đứa nhỏ chừng 12 , 13 tuổi .
Văn sĩ ngó ra đường thấy tình trạng nầy , khẻ buông tiếng thở dài . Cặp mắt đỏ ngầu , miệng lẩm bẩm nói như để mình nghe :
-Tội nghiệp ! Thật là tội nghiệp !
Cậu nhỏ hỏi ông :
-Gia gia ơi ! Những người kia phạm tội gì vậy ?
Văn sĩ đáp :
-Ai mà biết họ phạm tội gì ? Hôm qua và sáng nay , đã có đến ba chục văn nhân nổi tiếng ở tỉnh Triết Giang ta cũng lâm vào tình trạng này . Bọn họ chẳng có tội gì mà bị liên lụy ...."