Thiên long bát bộ là một tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung.
Tác phẩm được bắt đầu được đăng trên tờ Minh báo ở Hồng Kông và Nam Dương thương báo ở Singapore vào ngày 3 tháng 9 năm 1963 đến ngày 27 tháng 5 năm 1966, liên tục trong 4 năm. Đây là tác phẩm viết với thời gian lâu nhất và cũng là tác phẩm dài nhất của Kim Dung (gần hai triệu chữ). Nội dung tác phẩm thấm đượm tinh thần Phật giáo mà Kim Dung vốn ngưỡng mộ, tiếng nói của Phật giáo trong tác phẩm vừa dịu dàng sâu lắng vừa thật hiển minh, quán xuyến từ đầu chí cuối tác phẩm. Có thể nói Thiên long bát bộ là tác phẩm vĩ đại nhất của nhà văn Kim Dung.
Thiên long bát bộ cũng đã được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều lần bởi cả các nhà sản xuất Trung Hoa đại lục và Hồng Kông.
Chuyến phiêu lưu của Đoàn Dự:
Đoàn Dự là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, hoàng tử của nước Đại Lý. Tuy là con nhà võ nhưng không thích luyện tập võ nghệ mà chỉ thích ngao du sơn thủy. Tình cờ trong quá trình can thiệp để giải cứu Chung Linh cô nương, Đoàn Dự lọt vào một hang đá, lấy được bí kíp về Bắc Minh thần công (món võ hút lấy nội công kẻ khác) và Lăng ba vi bộ (món võ có thể uyển chuyển chạy nhanh và tránh đỡ các thứ võ khác), và Đoàn Dự cũng miễn nhiễm độc tố sau khi vô tình ăn phải một con cóc độc có tên là Mãng Cổ Chu Cáp. Đồng thời Đoàn Dự cũng làm quen được Mộc Uyển Thanh, một cô gái xinh đẹp, võ công cao cường, nhưng tính tình đanh đá và lúc nào cũng che kín mặt. Mộc cô nương đem lòng yêu mến chàng công tử họ Đoàn, và trong lúc đánh thua Nam Hải Ngạc Thần, đã nguyện kết nghĩa vợ chồng với Đoàn Dự và cho anh ta xem mặt nàng.
Khi đó, các thuộc hạ của Đoàn Chính Thuần (chính thức là cha của Đoàn Dự) xuất hiện giải vây và đưa Đoàn Dự cùng Mộc cô nương về Đại Lý. Trên đường về, họ ghé thăm Đao Bạch Phượng, là mẹ ruột của Đoàn Dự, đang ở ẩn trong một ngôi chùa. Khi Đao Bạch Phượng thấy cách phóng phi tiêu của Mộc cô nương, bà nghi ngờ Mộc cô nương có liên hệ với Tần Hồng Miên, vốn là tình địch ngày xưa của bà.
Sau đó Đoàn Dự bị Hòa thượng Cưu Ma Trí nước Thổ Phồn bắt tới Cô Tô vì Đoàn Dự biết Lục Mạch thần kiếm và hắn muốn hỏa thiêu chàng để cúng Mộ Dung Bác, bằng hữu lâu năm của hắn. Chính ở đất Cô Tô này Đoàn Dự đã gặp Vương Ngữ Yên và yêu nàng. Nhưng thật trớ trêu, Vương Ngữ Yên chỉ yêu mỗi Mộ Dung Phục. Sau này khi Mộ Dung Phục vì muốn khôi phục nước Yên đã bỏ nàng nên Đoàn Dự và Vương Ngũ Yên đã đến bên nhau. Trong lúc săp chết, mẹ của Đoàn Dự mới tiết lộ rằng thật ra chàng là con ruột của Đoàn Diên Khánh
Cuối cùng, Đoàn Dự trở thành vua Đại Lý và Vương Ngữ Yên trở thành hoàng hậu.
Kiều Phong
Kiều Phong là người trong Cái Bang. Với võ công cao cường và nhiều công trạng, dần dần uy tín của chàng lên cao. Khi bang chủ Cái Bang qua đời, chàng được phong làm bang chủ Cái Bang. Lúc này trong giang hồ có câu nói Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung để nói rằng uy tín của Kiều Phong đã nổi khắp miền Trung Nguyên.
Trong một lần khi các trưởng lão muốn phế chức bang chủ của chàng, Kiều Phong đã biết được nguồn gốc thật của mình. Ba mươi năm về trước, cha của chàng Tiêu Viễn Sơn bị mai phục bởi các cao thủ võ lâm nước Tống tại Nhạn Môn Quan, vợ bị giết hại, ông phải nhảy xuống vực tự vẫn là bỏ lại đứa con nhỏ là Tiêu Phong. Khám phá rằng việc mai phục là sai, các cao thủ hối hận và gửi Tiêu Phong vào chùa Thiếu Lâm. Tiêu Phong lớn lên được đón về Cái Bang.
Sự thật đã khiến Kiều Phong (nay là Tiêu Phong) tức giận và từ bỏ chức Bang chủ Cái Bang. Sau đó, nhiều vụ mưu sát bí hiểm xảy ra (trong số người bị hại có cha mẹ nuôi và sư phụ dạy võ cho Tiêu Phong ở chùa Thiếu Lâm) và giới giang hồ đều cho rằng đó chính là do Tiêu Phong. Để tự minh oan cho mình, Tiêu Phong quyết đi tìm kẻ chủ mưu cùng với sự giúp đỡ của A Châu, người mà chàng tình cờ gặp trên đường giang hồ và trở thành người yêu của chàng. A Châu có tài cải trang rất khéo, và đã giúp Tiêu Phong trong nhiều dịp. Tuy nhiên, khi giả trang thành một trưởng lão Cái Bang để đi gặp Khang Mẫn, nàng đã không thành công và bị Khang Mẫn lừa rằng kẻ chủ mưu các vụ mưu sát bí hiểm không ai khác hơn là Đoàn Chính Thuần. Điều này đã làm Tiêu Phong đi tìm và quyết đấu tay đôi với Đoàn Chính Thuần. Số phận trớ trêu, khi A Châu gặp Đoàn Chính Thuần thì nàng mới biết đó là cha ruột của mình. Để cứu cha, A Châu giả vờ ngủ say để Tiêu Phong đi trước, rồi sau đó cải trang thành Đoàn Chính Thuần và lẻn ra bãi đấu để chết dưới cú chưởng của chính Tiêu Phong. Chàng hết sức hối hận, và nhận lời chăm sóc A Tử (em gái A Châu) theo lời trăn trối của người chị. Sau đó, vì cứu mạng được Hoàng đế nước Liêu, Tiêu Phong sang nước Liêu làm quan đại thần, A Tử được phong làm quận chúa.
Lúc này, nhân vật Du Thản Chi xuất hiện, cha mẹ hắn trước đây bị Tiêu Phong giết nên bây giờ hắn tìm Tiêu Phong để trả thù. Dù không đánh lại, hắn tình cờ nhặt được bí kíp võ công do Tiêu Phong làm rơi. Quyển bí kíp này vốn là do A Châu ăn trộm trong chùa Thiếu Lâm. Vì bị thương, Du Thản Chi bị A Tử bắt lại, chữa lành rồi trở thành kẻ mua vui cho nàng. A Tử cho đóng một mặt nạ sắt lên mặt Du Thản Chi, rồi gọi hắn là Thiết Sửu. Hắn cũng bị A Tử cho sâu độc cắn để nàng luyện thuốc độc. Một lần trúng độc, Du Thản Chi đông thành băng, A Tử cho là hắn đã chết nên cho người vất xác ra đồng. Tuy nhiên, Du Thản Chi nhờ có võ công cao nên thoát chết, về lại Trung Nguyên, rồi lên chùa Thiếu Lâm để thách thức với tất cả các môn phái khác tranh chức vô địch võ lâm.
Tại đại hội võ lâm này thì Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác lộ mặt. Tiêu Viễn Sơn kể rằng ông ta thoát chết khi nhảy xuống vực tự vẫn, thừa nhận rằng ba mươi năm qua ông ẩn náu trong chùa Thiếu Lâm để học hết võ công Trung Nguyên. Ông ta cũng là người giả dạng Tiêu Phong sát hại nhiều cao thủ trong giang hồ, và là người đã bắt cóc Hư Trúc lúc còn là một đứa bé và bỏ vào chùa Thiếu Lâm để các nhà sư nuôi dạy. Hư Trúc lúc này cũng biết được thân thế thật sự của mình, anh ta chính là con ruột của Phương trượng đại sư, chính vì vậy Phương trượng Đại sư phải chịu hình phạt phạm dâm giới bị đánh hai trăm gậy mà chết.
Mộ Dung Bác cũng thừa nhận là chỉ giả vờ chết để lẻn vào chùa Thiếu Lâm và là người tung tin đồn nhảm ba mươi năm về trước để cao thủ võ lâm Trung Nguyên ám hại Tiêu Viễn Sơn, và ông ta lợi dụng việc đó để khôi phục nước Yên.
Lúc này nhà sư quét rác trong Tàng kinh các xuất hiện, ông vung chưởng đánh chết Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn rồi cứu sống hai ông này lại; do vậy mà đã cảm hóa được cả hai ông già quy y Phật giáo. Hai ông già quyết định xuất gia theo tu tại chùa Thiếu Lâm.
Về sau, khi vua Liêu ra lệnh xâm lược nước Tống, Tiêu Phong chống lệnh vì không muốn binh đao giết hại dân lành vô tội của hai nước và bị hạ ngục. Được Đoàn Dự, Hư Trúc, và nhiều cao thủ võ lâm khác giúp vượt ngục, Tiêu Phong thoát ra Nhạn Môn Quan, nơi vua nước Liêu đang bài binh bố trận chuẩn bị tấn công nước Tống. Đoàn Dự và Hư Trúc dùng võ công xuất thế bắt sống vua Liêu, Tiêu Phong thuyết phục vua Liêu lui binh rồi nhảy xuống vực tự vẫn để giữ trọn đạo trung quân. A Tử vì yêu Tiêu Phong tha thiết cũng lao mình xuống vực tự vẫn. Du Thản Chi vì tiếc thương A Tử đập đầu vào núi đá mà chết.