Tác giả kể ra những điều ly kỳ mà dù ai đã nhiều lần đặt chân đến Thảo Cầm viên hẳn cũng ít biết đến. Chẳng hạn như câu chuyện về chú chà và chân đen tên Ken Đu, thực ra tên của chú vốn hết sức dân dã, do loài thú này rất khó nuôi nên các bác sĩ thú y khi chăm sóc chú đã đặt một cái tên xấu theo truyền thống để dễ nuôi, thế là cái tên cúng cơm “Cu Đen” ra đời. Có điều, khi đưa ra chuồng để du khách thăm quan, cái tên đó nghe không tiện nên phải nói lái đi, thế là Ken Đu xuất hiện.
Tác giả khéo léo biến những vấn đề sinh học vốn đôi khi đầy phức tạp trở thành nhẹ nhàng mà giàu ý nghĩa như việc sư tử con tắm xà bông thơm. Kết quả, sư tử mẹ vốn nhận con bằng mùi đã không thể nhận ra con mình, nó đẩy, đạp con vật “có mùi lạ” ra khỏi những con còn lại. Chú sư tử con tội nghiệp rốt cục đã phải được nuôi bằng sữa bình, mất đi sự chăm sóc của sư tử mẹ còn những người nuôi nhận được một bài học kinh nghiệm nhớ mãi.
Bạn cũng sẽ được đọc câu chuyện chú cá sấu Cuba bỏ ăn vì nuốt nhầm một đôi dép đắt tiền phải phẫu thuật! Trường hợp khác, du khách chẳng hiểu sao trèo được vào chuồng sư tử ngồi đánh đàn cho sư tử nghe. May là con sư tử này được người nuôi từ bé nên chỉ tò mò ngồi nhìn, đánh mãi chẳng thấy sư tử có phản ứng gì, vị khách bắt đầu lo lắng và cuối cùng khi được đưa ra khỏi chuồng mới hốt hoảng, ngất xỉu vì sợ.
Ở chuồng đà điểu, một sáng nọ mọi người kinh ngạc khi thấy cô nhân viên vệ sinh vừa chạy vòng quanh chuồng, tay kéo lê cái chổi sề to cán dài miệng la hét trong khi đằng sau là chú đà điểu Emu vừa đuổi theo vừa vui vẻ múa một điệu múa của loài đà điểu. Sau đó mọi người mới vỡ lẽ là cô nhân viên thích mặc đồ đen, lại kéo theo cái chổi như cái đuôi xù trông rất giống một con đà điểu cái, kết quả là chú đà điểu đực “quáng gà” bèn biểu diễn điệu múa “tán tỉnh”.
Nhưng cũng có những chuyện làm người đọc phải suy ngẫm như con hồng hạc bị cắt lông cánh lén đợi hồi phục rồi bay lên bầu trời tự do. Hay chú đà điểu bị một số trẻ em đùa nghịch đốt cháy lông khiến cả một thời gian dài sợ hãi con người.