Vì sao trong tất cả những kiểu thơ, thơ đồng dao hoặc viết theo lối đồng dao luôn được trẻ đón nhận hồ hởi hơn cả? Vì đồng dao là tác phẩm văn học dân gian, từ đời này qua đời kia còn lưu được lại, nghĩa là đã có gì thích thú lắm, gần gũi lắm đọng lại trong tâm trí những con người mà không mất đi.
Một bài đồng dao có thể bắt đầu ngăn ngắn, thế rồi cứ đọc mãi, đọc mãi, kéo dài dằng dặc như trò chơi miên man của tuổi nhỏ, mà chẳng làm ai mệt, chẳng làm ai khó chịu. Bởi vì nó cứ nhịp nhịp mà trôi. Dậm dậm bàn chân, vỗ vỗ đôi bàn tay, thế là có thứ đệm cho lời, để bài thơ thêm sôi nổi. Một đứa đọc cũng được. Hai đứa thêm vui. Mà cả chục đứa rộn ràng thì vẫn cứ đều nhịp, không bị hẫng giọng hụt hơi như khi hát một bài hát mà lỡ không thuộc nhạc.
Trẻ con bé tí lại càng thích đồng dao. Nhún nhảy theo nhịp đọc đồng dao, có cần gì hiểu, chỉ cần thấy vui. Đến khi lớn lên, trẻ con thấy lời đồng dao sao mà giống kiểu nghĩ của mình thế. Nghĩ đến đâu, nói đến đấy. Đôi khi nói ngược đời. Đôi khi nói khuếch nói khoác. Đôi khi nói những việc đẩu việc đâu chẳng ăn nhập gì với nhau! Lúc này nói thế này, lúc sau đã có thêm có bớt để ra một bài khác. Đứa này nói một, đứa kia chêm thêm vào, đứa nữa đọc câu khác. Cười xòa, ra cả một bài dài!
Trẻ con là thế. Thế mới là vui. Trẻ con cần vui. Vui thì dễ chơi với nhau. Vui thì mới lớn mau.Vui thì học mới vào.