Tiểu thuyết Đuốc Lá Dừa viết về Nguyễn Đình Chiểu. Qua tiểu thuyết này Hoài Anh ca ngợi tâm hồn, nghĩa khí của người dân Nam Bộ đối diện với bọn xâm lược Pháp. Tiểu thuyết rất thành công với những trang miêu tả về thiên nhiên và con người miệt vườn. Nguyễn Đình Chiểu sinh ở làng Tân Thới huyện Bình Dương phủ Tân Bình tỉnh Gia Định. Năm 1843, đỗ tú tài ở Gia Định. 25 tuổi, ông ra Huế học tập chờ khoa thi Hội. Nhưng chưa kịp thi thì được tin mẹ mất. Trên đường trở về chịu tang mẹ, vì khóc thương và vì thời tiết nóng bức, ông bị mù. Năm 1859, Gia Định bị giặc Pháp chiếm, nhà thơ phải về Cần Giuộc. Năm 1861, Pháp đánh chiếm Cần Giuộc, ông phải tị địa sang Ba Tri tỉnh Bến Tre. Ông mở trường dạy học và làm thuốc, làm thơ văn kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp. Các tác phẩm hừng hực tinh thần chống Pháp của ông như : Chạy Tây, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc,... Thực dân Pháp và tay sai tìm mọi cách mua chuộc dụ dỗ nhưng ông dứt khoát từ chối. Năm 1888, đau buồn vì cảnh Huế thất thủ, vua Hàm Nghi bị bắt, ông lâm bệnh trầm trọng, qua đời ở Ba Tri. Thông qua hình tượng Ngưyễn Đình Chiểu, Hoài Anh khái quát phong trào chống Pháp của nhân dân Nam Kỳ. Cây dừa và hình ảnh ngọn đuốc lá dừa từ Trương Định được truyền sang tay Võ Duy Dương, Nguyễn Tấn Kiều... tượng trưng cho tinh thần bất khuất, xả thân chống Pháp vì độc lập tổ quốc.
-------
Đôi mắt đục lờ của ông như sáng lên hướng về một nơi nào đó rất xa... Dường như phía đó có tiếng đuốc lá dừa cháy bập bùng, tiếng cờ bay phần phật, tiếng reo hò tở mở của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Ngọc Tòng... Những Lục Vân Tiên lẫy lừng lịch sử, của những người dân ấp, dân lân, những ông Tiều, ông Ngư, ông Quán, lớp lớp anh hùng bình thường không tên cầm mác thông, giáo gỗ nườm nượp xông lên, bước chân không đạp bằng đồn giặc... cho cái ngày "bốn phương đều ngợi chữ thăng bình".
(trích đoạn)