Bộ “Giai thoại Việt Nam” là một phần nhỏ trong tủ sách “Di sản” gồm các phần: cổ tích, sân khấu dân gian, tục ngữ, ca dao, truyện cười, truyện ngụ ngôn... Nhà xuất bản Kim Đồng đang giới thiệu với các bạn.
Giai thoại, hiểu một cách nôm na là câu chuyện hay, luôn gắn bó với các nhân vật nổi tiếng như hình với bóng. Nhân vật sản sinh ra giai thoại, rồi chính giai thoại lại tô điểm cho nhân vật, nhiều khi biến nhân vật thành huyền thoại. Xung quanh các tên tuổi Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... luôn luôn tồn tại rất nhiều giai thoại sống động, hấp dẫn, nửa thực, nửa hư. Đấy chính là một cách nhân dân ta ca ngợi, tôn vinh những vì sao đất nước.
Không hiếm giai thoại về những kẻ xấu. Ví như câu đối: Vô địa khả mai Cao Ngọc Lễ... (Không có đất chôn Cao Ngọc Lễ) là lời nguyền rủa truyền đời, đóng đinh kẻ phản bội vào cây thánh giá lịch sử...
Đọc giai thoại cũng giống như việc được gặp gỡ, chuyện trò với những người tài giỏi, những anh hùng mà cuộc đời đã biến thành truyền thuyết.
Cha ông ta xưa quan niệm rằng “văn dĩ tải đạo”, “thi dĩ ngôn chí”, văn chở đạo, thơ nói cái chí của mình. Thú chơi tao nhã nhất là làm thơ, xướng hoạ, đối đáp, cho nên không lấy gì làm lạ khi ta thấy rất nhiều giai thoại của nhà nho xưa là câu đối, là thơ. Nội dung các giai thoại về câu đối hoặc thơ chủ yếu là phê phán hoặc ca ngợi nhân cách của nhân vật, ít thấy nói đến cá tính, nghề nghiệp. Ấy cũng là do quan niệm văn học thi dĩ ngôn chí, nói những chuyện sang trọng, cao quý, không cần và không nên nhắc đến những chuyện tầm thường, nhỏ nhặt. Viết văn, làm thơ mà đưa vào quá nhiều chi tiết đời sống là tục, là thô. Giai thoại về các nhân vật hiện đại ngày nay như là Đặng Thái Sơn, Đỗ Nhuận... đã có một sự thay đổi rõ rệt so với giai thoại trước đó: người ta chủ yếu nói về tính cách, cá tính, những công việc hàng ngày của nhân vật.