Lịch sử giáo dục và thi cử Nho học ở nước ta bắt đầu có từ thời Lý nhưng đến thời Lê sơ (1428-1527) là thời thịnh đạt, chặt chẽ và chính quy nhất. Có tổng kết các tài liệu liên quan đến thi cử mới thấy rằng, từ khoa thi đầu tiên (năm 1075) đến khoa thi cuối cùng (1919), các triều đại nối nhau đã lấy đỗ tất cả 2896 người từ Phó bảng trở lên. Trong đó, chỉ tính riêng thời Lê sơ đã có tới 1005 người đỗ từ Tiến sĩ trở lên (thời này chưa có học vị Phó bảng). Con số này tương đương với số người đỗ đại khoa của thời Mạc (1527-1592) và thời Nguyễn (1802-1945) cộng lại: 1026 người.
Các vua thời Lê sơ đều coi thi cử Nho học là cơ sở chủ yếu để tuyển lựa quan lại. Chưa bao giờ đội ngũ những người cầm quyền từ thấp lên cao lại có bằng cấp Nho học cao như thời Lê sơ. Thời ấy, tuy cũng có lúc khủng hoảng và xung đột, nhưng nhìn chung nền thái bình thịnh trị được giữ vững. Bấy giờ, nhà nhà ấm no nên ai ai cũng muốn dốc chí học hành để tham dự các kỳ thi. Về phần mình, Nhà nước cũng đặt ra không ít những quy định nhằm khuyến khích việc học hành và thi cử.
Người xưa từng học thế nào và thi cử ra sao? Tập sách nhỏ này muốn mượn những quy định và những kết quả thực tế của thời Lê sơ để góp phần trả lời câu hỏi chung này.
Trân trọng giới thiệu !