"Rạng đông vừa hửng sáng" và "chiếc tàu đã biến mất rồi", chỉ đơn giản thế thôi, nhưng dù kết cục của truyện người đọc đã đoán biết trước rồi, đọc đến những câu cuối như thế ít ai có thể để lòng dửng dưng, và không ít người tuy đã đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn khó mà cầm được nước mắt. Văn hay lọ phải dài lời.
Nhiều đoạn trong Những tấm lòng cao cả đã làm người đọc xúc động như thế, lại có những đoạn rất thuyết phục vì lời văn hùng hồn, nhất là những bức thư bố mẹ viết cho con; mà nhiều bức đã được trích vào sách giáo khoa ở nhiều nước, nổi tiếng hơn cả là bức thư về "Trường học". Truyện đọc hàng tháng cũng nhiều chuyện được trích như thế.
Enricô có ghi trong nhật ký là khi chép truyện Cậu bé trinh sát người Lômba, Đêrôtxi "rơm rớm nước mắt, run run đôi môi". Sức tác động của văn chương thấm sâu vào lòng người. Nghệ thuật văn chương là công cụ giáo dục tốt, vì giáo dục phải tiến hành có nghệ thuật, và giáo dục chính là một nghệ thuật.
Trong văn học Ý, Những tấm lòng cao cả không giữ địa vị một đại tác, nhưng trong sự nghiệp giáo dục của một thế giới thì đã có tác dụng không nhỏ, chính vì nội dung rất tốt của tác phẩm, dù cũng có ít nhiều điều không lấy gì làm hay.
Mỗi xã hội, mỗi thời đại giáo dục con em mình theo yêu cầu của mình, dựa vào những nguyên lý cơ bản của khoa học giáo dục của mình; tất nhiên là như vậy. Nhưng tác phẩm của những thời đã qua mà có những điều tốt đẹp, khiến cho tồn tại và lưu truyền thì vẫn có ích lợi thiết thực và cần nghiên cứu, tham khảo.
Những tấm lòng cao cả của Edmondo De Amicis là một trong những tác phẩm như vậy.
Xin trân trọng giới thiệu!