Dường như không có chuyện kỳ lạ, bí ẩn, bất ngờ. Những trang viết của Anh Thư chỉ là sự góp nhặt từ cuộc sống bình dị, trong trẻo, thấm đẫm tình cảm gia đình, bố mẹ, con cái. Đó là một sự góp nhặt tinh tế, thận trọng, có chủ định, với giọng văn êm mượt, tự nhiên.
Một cô bé sáu, bảy tuổi nhặt hoa đại rụng. Cây đại mọc trong sân nhà luôn đóng cửa và có chó dữ. Còn cô bé mấy ngày đều tranh thủ đạp xe đến đón đợi quanh quẩn mà “hoa chẳng chịu rụng ra ngoài ngõ"! Cô bé lại còn nhớ lời mẹ dặn “không nên ngắt hoa đại. Cứ để hoa trên cành, nó sẽ tỏa hương thơm tới mọi người”...
Một cậu bé nghèo vuốt phẳng phiu những đồng tiền lẻ do bà con trả công quét chợ, trịnh trọng và tự hào mua bát phở về cho người mẹ ốm đã hai hôm...
Chuyện con mèo Xám và những lần sinh nở đau buồn, nhẫn nại, cuối cùng để lại một chú mèo con sống sót - cũng là mèo lông xám giống mẹ và dường như cũng là tiếp nối tính kiên nhẫn, dũng cảm của mẹ.
Đôi công trong vườn Bách thảo, những con mối trong mưa, một con mèo đi lạc, chuyện kể của chiếc xích lô già nua... Dẫu là chuyện gì đi nữa, đều đi vào những trang viêt khá nhuần nhuyễn và được bao trùm trong khung cảnh của một gia đình - dù là gia đình chỉ có hai mẹ con, hay gia đinh gồm có bà ở quê và bố mẹ con cái ở thành phố - dù là gia đình êm ấm hay một gia đình đang gặp nguy cơ tan tác.
Không biết tác giả có chủ ý không, nhưng cả tập truyện đã toát lên niềm khát khao về hạnh phúc, sự sum vầy, ấm áp, thấu hiểu của những thành viên trong gia đình. Những đứa trẻ cũng đang lắng nghe nhịp thở của gia đình và hớn hở hay lo âu vì nó; những đứa trẻ đang muốn biết nhiều hơn ngoài việc chỉ cắm cúi vào học hành.
Truyện của Anh Thư còn là sự tự tìm hiểu của các bậc cha mẹ để xem mình đã sống như thế nào, đã hiểu con cái đến đâu trong cuộc sống phong phú hòa quện giữa thiên nhiên với con người và con người với nhau. Cho nên bên những trang viết mượt mà, xúc động về sự cao đẹp, trong sáng, hướng thiện, tác giả còn đưa tới những gai góc, đắng đót - dù chỉ vừa chạm tới, hợp với tuổi nhỏ, như trong các truyện “Bữa thịt vịt”, “Thư không gửi cho ba”, “Bài văn điểm chín”...
Chính vì thế, tập sách dành cho trẻ em này nhiều khi còn là món quà thú vị với người lớn. Những ông bố bà mẹ sẽ tìm thấy ở đây câu chuyện của chính gia đình mình, của chính mỗi người, những câu chuyện không bất ngờ, kỳ bí mà lặng lẽ, thủ thỉ tỏa lan...
Nhà thơ Phạm Đức