Được xuất bản lần đầu năm 1975, chỉ ít tháng sau ngày đất nước thống nhất, "Thú rừng Tây Nguyên" cuốn hút hàng trăm ngàn bạn nhỏ chỉ bằng những câu chuyện kể dung dị, dí dỏm mà hào sảng về những chuyến đi săn "cải thiện" của bộ đội Tây Nguyên trong những năm chiến tranh, bom đạn khốc liệt.
Sau mỗi trang sách, Tây Nguyên hiện ra tuyệt đẹp. Như một vườn thú tự nhiên khổng lồ rộn tiếng chim kêu, vượn hú, voi rống, hổ gầm..., thế giới muông thú với vô vàn tập tính, thói quen khác lạ, ngộ nghĩnh dẫn ta đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Này là “Bầy hươu lông vàng, giống khóm hoa cúc khổng lồ biết đi động, mà con hươu sao lại giống như cái nhụy trắng điểm ở giữa”.
Này là “Con lợn rừng lùn tịt phải nhờ vào anh bạn đường hươu sao cao kều mới dám nhởn nhơ ra bãi cỏ kiếm ăn”.
Này là “Mang không phải là nai con, nhưng cũng có khi đi ăn lẫn với bầy nai, nhờ chân nai đạp bật cỏ để ăn”.
Này là “Hoẵng vốn hiền lành, sợ cả từ con nhím trở đi. Loài thú duy nhất có thể cứu được hoẵng, ân nhân của hoẵng lại chính là anh lợn rừng, nhất là lợn độc”…
Viết về loài voi Tây Nguyên, nhà văn Thiên Lương có những phát hiện thú vị:
… Trông con voi to lớn, cặp mắt gườm gườm tưởng như dữ tợn lắm, nhưng lại rất lành. Nó yêu người, nhất là trẻ con. Chỉ trừ khi nó bị bắt buộc phải đánh lại đối phương, nó mới thật mang cái sức “khỏe như voi” ra để chiến đấu.
Con voi béo ục ịch thế, nhưng lại thừa trí thông minh và nhanh nhẹn sử dụng miếng võ của mình để trị lại cọp.
… Khi voi thấy chó sói, mắt voi nhắm lại, và ve vẩy đôi tai, vẻ như ngờ nghệch. Sói rừng hí hửng tưởng là dễ lao vào cấu xé, sói liền lao vào táp lên chân voi. Bất ngờ: “huỵch”, voi đã dùng vòi túm chặt lấy ngang lưng sói đưa bổng lên trên không. Nó mang ngay sói ra suối, dìm xuống nước cho sói uống no nước, bụng thật căng, rồi đưa đến một gốc cây quật thật mạnh! Sói vỡ toang bụng rồi voi mới đủng đỉnh ục ịch bước đi…
Nhưng đó là đối với con chó sói gian ác kia, còn đối với các loài thú khác, như nai chẳng hạn, thì nó lại đối xử rất đỗi đàn anh. Có khi chúng ta thấy voi nằm phục hàng giờ liền để ngắm con nai vừa mới lọt lòng mẹ…
Cũng không thiếu những trang xúc động về nghĩa tình giữa người và vật:
“Tổ trưởng Hưng vừa giương súng ngắm định bắn, chợt anh hạ súng xuống và bấm khóa an toàn. Trước mắt chúng tôi không phải chỉ là một con khỉ bình thường, mà là một con khỉ mẹ có đem theo con. Con khỉ mẹ sau khi đã bứt được ít quả, liền chuyền con đang cõng sau lưng xoay ra phía trước và cho con bú. Trong khi vừa cho con bú, nó vừa lấy tay xoa đầu con, và con khỉ con cũng vừa bú vừa quờ một tay lên mặt khỉ mẹ. Khỉ mẹ kêu lên những tiếng chít chít nhỏ, rồi vừa bế vừa rung rung cánh tay như người mẹ đang nựng con ngủ.
Hôm ấy chúng tôi tha bổng cả hai mẹ con nhà khỉ này”.
Gấp cuốn sách lại, núi rừng Tây Nguyên như kỳ thú hơn, huyền ảo và đáng yêu hơn bộ phần.
Cùng với “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Thú rừng Tây Nguyên” của Thiên Lương chắc chắn sẽ còn được những ai yêu thiên nhiên, thích tìm hiểu, khám phá vẻ đẹp của non sông gấm vóc Việt Nam say mê, trân trọng.
Về tác giả:
Tên thật: Nguyễn Thiên Lương
Bút danh khác: Nắng Mai Hồng, Thường Lăng, Thượng Liên, Hoa Hương Ngải…
Nguyên quán: xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội)
Vào bộ đội năm 1949, tham gia kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ; chiến trường biên giới Tây Nam.
Tác phẩm viết cho thiếu nhi tiêu biểu: Thú rừng Tây Nguyên (NXB Kim Đồng - 1976, 1978, 2000); Chim Tây Nguyên (NXB Kim Đồng – 1980); Tay không bắt cọp, Cuộc chiến bên sông Krông Na, Vệ sỹ rừng xanh, Tiếng hót chim Pút Kút (NXB Văn hóa dân tộc, 1996); Dũng sỹ thành Đắk Pha, Phân đội voi dũng sỹ (NXB Kim Đồng – 2001)…