Trong lúc ấy tại nhà trọ của các sinh viên địa chất, Phượng đang lo lắng vì cơn đau bất thình lình của Thành. Thầy Văn và mấy người bạn năm thứ năm cũng quây quần bên giường người bệnh. Phượng đi ra quán cà phê mua nước đá về chườm cho Thành nhưng anh vẫn quằn quại vì cơn đau dạ dày cố hữu của mình. Đên nửa đêm cơn đau hạ xuống và Thành mệt lả người, ngủ thiếp đi. Lúc ấy Phượng mới nhớ ra là mình có hẹn với thằng bé đến nhà dẫn đi xem chiếu bóng. Nhưng buổi chiếu đã xong từ lúc nào, mọi người trở về và ngủ yên. Giờ đây ở vùng rừng rú này có lẽ chỉ mình Phượng còn thức, còn ngồi đăm đăm nhìn ngọn đèn dầu leo lét mà nghe tiếng dòng sông réo gọi, nghe tiếng gió rừng rì rào không dứt. Thành nằm im lìm trên chiếc giường tre nhỏ, đôi kính cận đã được tháo ra nên trông mặt anh khác lạ hơn ngày thường, chỉ có vầng trán và cái miệng là còn giữ nguyên cái vẻ thông minh lẫn chút gì bướng bỉnh đáng yêu. Phượng coi đồng hồ. Đã hơn hai giờ sáng nhung chị không thấy buồn ngủ. Chị tựa lưng vào ghế dựa và chợt thấy mình như đang sống trong một gia đình nhỏ ở ven sông, với một đôi vợ chồng nghèo mới cưới nhau chưa đầy năm. Chị ngạc nhiên không hiểu sao điều tưởng tượng ấy lại đem đến cho mình một cảm giác buồn mênh mông, hòa lẫn trong một thứ tình yêu đằm thắm, lễ giáo, cái gì đã làm chị bâng khuâng không ngủ được. Chị thấy mình đang nhớ nhung một cái gì không rõ rệt, một cái gì đó như thể đang bị dòng sông ngoài kia mang đi dần, mang đi dần, hoặc là cơn gió rì rào ấy làm cho tan loãng ra, mất dần đi trong rừng mênh mông.
Chưa bao giờ Phượng sống trong một tâm trạng lạ lùng như thế. Có lẽ tại mình thức một mình với đêm ở chốn núi rừng heo hút này chăng? Ở thành phố, có nhiều đêm chị cũng thức khuya như thế nhưng không hề có cảm giác như vậy.
(trích đoạn)