Nếu có ai nói với tôi rằng, Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ vĩ đại, một nhà chính trị lỗi lạc và là một danh nhân văn hóa thế giới, tôi sẽ mỉm cười chấp nhận, vì đó là một điều không thể chối cãi và là một người con trên xứ sở trải dài hình chữ S này, thì ai cũng sẽ đồng ý với nhận định trên. Nhưng nếu ai hỏi tôi rằng: “Bạn có suy nghĩ gì về Chủ tịch Hồ Chí Minh?”, thì tôi không cần phải suy nghĩ và sẽ trả lời ngay: “Đó là một vị cha già của dân tộc Việt Nam, một người cha thật sự!”. Trả lời như vậy, bởi tôi cảm thấy rằng, Bác Hồ là một người thật gần gũi gắn bó với nhân dân, lo lắng từng miếng ăn giấc ngủ cho nhân dân, sống cả đời mình vì nhân dân, cũng giống như những người cha lo lắng, chăm sóc cho đứa con thân yêu, bé bỏng của mình...
Đối với Bác, người cha già của chúng ta, ai cũng một lòng yêu quý, kính trọng và vô cùng biết ơn sâu sắc. Có rất nhiều cách để thể hiện tình cảm chân thành ấy đối với Bác, đó là sống thật tốt; là noi theo những tấm gương đạo đức của Bác; là làm theo những điều mà Bác đã dạy; là một lòng với Đảng; là thông qua những lời ca, tiếng hát để nói lên sự hy sinh cống hiến cả đời mình cho đất nước của Bác; là mượn những vần thơ để thể hiện tấm lòng yêu thương mênh mông, sâu nặng, sự chăm lo ân cần, chu đáo của Bác đối với nhân dân. Và để giúp cho con người Việt Nam, đặc biệt là chúng ta - những chủ nhân tương lai của đất nước - hiểu rõ thêm về cuộc đời của Bác, để qua đó có thêm những bài học đạo đức thường tình mà sâu sắc. Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã bỏ ra một quãng thời gian dài (hơn 10 năm) để nghiên cứu trao đổi và cho ra đời cuốn sách này được Nhà xuất bản Trẻ in ấn và phát hành vào ngày 21.1.2004.
Lúc sinh thời, Bác đã đi và sống ở rất nhiều nơi như: Bình Thuận, Hà Nội, Long Châu, Nghệ An, Nghệ Tỉnh, Tp. HCM... nhưng có lẽ, Huế là nơi “giữ chân” Bác lâu nhất. Bác đến sống tại nơi đây hai lần, lần thứ nhất từ năm 1895 - 1901, và lần thứ hai từ năm 1906 - 1909, cả thải là gần 10 năm. Lúc ấy, Bác vẫn còn là một cậu học sinh nhà Nho nghèo yêu nước, với cái tên quen thuộc - Nguyễn Sinh Cung. Không ai ngờ rằng, cậu học trò nghèo nhưng thông minh, sáng dạ, mang trong mình một lòng yêu nước nồng nàn, lại trở thành một con người vĩ đại, một nhà cách mạng, một nhà văn hóa lớn...
Cuốn sách gồm nhiều câu chuyện của Bác trong những ngày ở Huế như: "Thuở ấy... vào kinh", "Tuổi trẻ không yên", "Sông Hương dậy sóng", "Không làm quan thì...?", "Tín hiệu đầu tiên", "Nỗi đau xé ruột Những câu chuyện ấy đã khắc họa sâu sắc và trung thực những gì đã diễn ra xung quanh Bác tại Huế. Đó là một khoảng thời gian vô cùng quan trọng, có ý nghĩa đối với nhận thức khởi đầu của Bác, tác động đến sự hình thành một con người yêu nước; là một phần gốc rễ của một tâm hồn, một nhân cách, một tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ rằng, đây cũng là khoảng thời gian mà Bác không thể nào quên được, cũng bởi nó gắn liền với hình ảnh người mẹ hiền tần tảo, hy sinh cả đời mình vì chồng vì con, người mẹ mà Bác hằng tôn kính, đã mãi mãi ra đi...
Cuốn sách nằm trong tủ sách di sản Hồ Chí Minh. Bìa ngoài được trang trí bằng một tấm hình của Bác lúc còn trẻ, chụp tại Liên Xô năm 1923. Phía sau là hình ảnh một ngôi trường nổi tiếng mà Bác đã từng theo học - Trường Quốc học Huế.