"Ngày 5/6/1911, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng (thành phố Sài Gòn) bắt đầu hành trình cứu nước trên con tàu Amiral Latouche Trevilla. Trải qua sóng gió của các đại dương và nỗi nhọc nhằn của một người phụ bếp, biết bao hình ảnh sống động về sự cùng khổ của những người lao động nói chung và những người dân thuộc địa nói riêng đã khắc sâu vào tâm thức người thanh niên yêu nước, tạo nên động lực mạnh mẽ, thôi thúc anh quyết tâm tìm đường giải phóng cho nhân dân và giành độc lập cho dân tộc. Nguyễn Tất Thành đã tham gia các tổ chức xã hội ở Pháp, rồi anh mở đầu cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân bằng bản Yêu sách của nhân dân An Nam và các bài báo phê phán, đả kích chủ nghĩa thực dân dưới tên gọi Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn yêu nước). Anh Nguyễn đã tham gia các hoạt động văn hóa, chính trị phong phú trên đất Pháp và tổ chức Hội liên hiệp thuộc địa, ra báo Le Paria (Người cùng khổ). Sau khi gia nhập đảng Xã hội Pháp và trở thành một trong những yếu nhân sáng lập ra đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định đi theo tư tưởng cách mạng của Lênin. Anh Nguyễn đã được sang Liên Xô để tham dự các hoạt động của Quốc tế cộng sản và Quốc tế nông dân. Từ đất nước của Lênin, anh Nguyễn tiếp tục được cử đi xây dựng phong trào cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc), Xiêm (Thái Lan), Đức, Bỉ, Pháp và quay lại Hương Cảng để chuẩn bị cho hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam.
Nội dung hoạt động của giai đoạn 1911 - 1929 được xây dựng theo phương thức biên niên sự kiện, có trích dẫn một số tài liệu của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cũng như hồi ký của chính Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm minh họa rõ nét những hoạt động trong quãng thời gian hơn 18 năm vô cùng phong phú, sinh động từ một anh thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trở thành một nhà cách mạng quốc tế Nguyễn Ái Quốc.