"Sau khi trở lại Trung Quốc hoạt động theo sự phân công của Quốc tế Cộng sản, tại Cửu Long (Hồng Kông), đầu năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì hợp nhất ba tổ chức đảng ở Việt Nam lúc đó để thành lập một chính đảng duy nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam và từng bước hoàn chỉnh đường lối cách mạng nước ta. Trong thời gian hoạt động ở Hồng Kông, ngày 6 tháng 6 năm 1931, Người đã bị cảnh sát Hồng Kông bắt giữ khi chưa có lệnh của tòa án tại số nhà 168 đường Tam Kung dưới cái tên theo thẻ căn cước lúc bấy giờ là Tống Văn Sơ. Nhờ sự can thiệp của các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là sự giúp đỡ chân thành vô tư của gia đình luật sư người Anh - Lôdơbai, nên sau chín phiên tòa xét xử kéo dài, cuối cùng Tống Văn Sơ đã được trả tự do ngày 28 tháng 12 năm 1932. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc đã được Quốc tế cộng sản đưa về Liên Xô để vào học trường quốc tế Lênin, tham gia đại hội VII của Quốc tế Cộng sản và chuyển tới làm việc tại Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Sau một thời gian kiên trì chờ đợi và đề nghị được phân công công tác, cuối cùng Người cũng được tổ chức quyết định điều động về Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc đã gia nhập Bát lộ quân Trung Quốc để đi theo tuyến đường trường chinh vạn dặm về đến khu vực gần biên giới Việt - Trung. Sau 30 năm xa cách, cuối cùng ngày 28 tháng 1 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân lên mảnh đất Cao Bằng địa đầu Tổ quốc để bắt đầu trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.