Độc giả Việt Nam đã từng được đọc rất nhiều tản văn, hồi ký, bút ký của Tô Hoài. Mỗi bài viết của ông luôn đưa đến cho bạn một đời sống chân thật, những chân dung chân thực, những suy nghĩ chân thật. Nhà văn luôn tôn trọng tính chất đặc trưng của thể hồi ký. Vì vậy, đọc hồi ký của Tô Hoài có người từng nói: Những điều không hay đáng lẽ ông không nên nói nhưng vì đặc trưng chân thực của thể loại ông đã đưa vào bài viết, kể cả những điều xấu, những tính xấu của bản thân. Vì vậy, đọc hồi ký của Tô Hoài, người ta thấy một bức tranh đời sống sinh động, chân thực nhất.
Đến với "Hồi ký Tô Hoài", chúng ta được biết về những tên phố, tên phường, những gương mặt, những con người như bước từ cuộc sống vào trang viết. Những con đường, những cảnh đẹp quê hương được ông nhìn nhận như một nhân vật trữ tình đầy quyến rũ, đẹp không có lời nào tả xiết: "Hồ Tây trước mặt tôi kia dường như làn nước ấy bao giờ cũng mênh mông ra ngoài những ánh văn tôi đã thấy." "Muốn "thưởng thức Hà Nội" chúng ta hãy làm một đường vòng đường La Thành Đại La, bắt đầu từ cuối hồ Bẩy Mẫu qua Phương Liên, ô Chợ Dừa, ra ô Cầu Giấy, lên ngã ba chợ Bưởi. Đi như thế sẽ thấy Hà Nội của mười thế kỷ chập chờn theo bước chân."... Đọc bút ký của Tô Hoài bao giờ bạn cũng thấy có sự lắng đọng trong tâm hồn. Gấp trang sách lại những con phố, những cái tên, những con đường... in sâu đậm trong ta.