Lịch sử Việt Nam chủ yếu ghi nhận công lao của các danh nhân mà công nghiệp và cuộc đời họ ảnh hưởng đến vận mệnh của dân tộc, của quốc gia. Bên cạnh đó sử sách cũng nhắc đến và lên án một số nhân vật phản diện, tiêu cực với một vài thông tin rất ngắn ngủi. Các sử gia hình như không muốn nói nhiều đến tên các nhân vật này với ý muốn người đời chỉ nhớ đế hành trạng của những người có công với dân, với nước để học theo và noi gương hơn là nhắc đến những vết nhơ trong lịch sử bởi xóa nhòa ký ức về những con người ấy cũng đồng nghĩa với phần bác bỏ và không tán đồng họ. Theo chính sử, một số nhân vật như Trần Ích Tắc, Lương Nhữ Hốt, Lê Chiêu Thống, Tôn Thọ Tường, Trần Bá Lộc, Cao Ngọc Lễ, Nguyễn Thân, Trương Quang Ngọc... đáng bị lên án vì hành động bán nước hại dân. Bên cạnh đó, còn có một số nhân vật tiêu cực hay phản diện theo sự đánh giá từ trước tới nay nhưng gần đây, với các nguồn thông tin bổ sung thêm về hành trạng và công nghiệp của họ, thì hình như cần có sự đánh giá lại cho xác đáng. Đó là các nhân vật như Mạc Đăng Dung, Phan Thanh Giản. Viết về các nhân vật phản bội và tiêu cực cũng có thể xem là một cách luận định lại cuộc đời của các nhân vật ấy để lấy đó làm răn đồng thời giúp người đọc hiểu rõ thêm những thăng trầm trong quá trình phát triển của dân tộc, hướng tới tương lai và sống hữu ích hơn - đó là mục đích của cuốn sách này.