Hồ Chí Minh là người suốt đời phấn đấu vì một lý tưởng cao đẹp, từ ngày ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911) trở thành nhà hoạt động cách mạng kiên cường và bền bỉ cho đến hơi thở cuối cùng (2-9-1969), đưa đất nước và dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với con người Hồ Chí Minh, là biểu tượng, tấm gương sáng, niềm tự hào của các thế hệ Việt Nam không ngừng đoàn kết, phấn đấu thực hiện nguyện vọng thiết tha của cộng đồng dân tộc thời vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh.
Tôi bắt đầu cuốn sách về tư tưởng Hồ Chí Minh bằng cách đặt câu hỏi Hồ Chí Minh là ai lúc ra đi tìm đường cứu nước?
Nhiều người đã viết về đề tài này, ở đây tôi chỉ chú ý mấy nét để trả lời câu hỏi vừa được nêu lên.
Nói về hành trang của Hồ Chí Minh lúc ra đi thì phải thấy rõ hoàn cảnh gia đình của Hồ Chí Minh, đồng thời phải thấy quê hương của Hồ Chí Minh là tỉnh Nghệ An, từ đó mà thấy một cách đậm nét dấu ấn của gia đình, quê hương, Tổ quốc và dân tộc đối với Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh sau àny. Hồ Chí Minh đặc biệt thích thú và quý trọng truyền thống xa xưa của dân tộc, thể hiện một cách giàu đẹp trong lời ăn tiếng nói, trong phong tục tập quán, trong tình làng nghĩa xóm, việc nước gắn với việc nhà: "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao", một câu ca dao đậm tính trữ tình cũng như khí phách hùng tráng của dân tộc, đúng là "muôn thuở giang sơn này".
Xin trân trọng giới thiệu!