Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng, một nét đặc sắc trong toàn bộ di sản tư tưởng của Người. Đó là một hệ thống quan niệm, quan điểm tư tưởng cơ bản và toàn diện về đạo đức cách mạng và xây dựng đạo đức cách mạng cho Đảng và trong xã hội. Bản thân Người là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, là hiện thân của nền văn hóa tương lai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ bàn nhiều đến đạo đức và vai trò của đạo đức trong đấu tranh cách mạng. Người nói: “Đạo đức là cái gốc của người cách mạng”, “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng”… Vì vậy, suốt đời mình, Người kiên trì giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên, và bản thân Người là tấm gương trọn vẹn của đạo đức mới: suốt đời phấn đấu hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một thể thống nhất giữa đạo đức với chính trị, đạo đức với tài năng, giữa nói và làm, giữa đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường.
Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có sức sống mãnh liệt đã sớm đi vào nhân dân, được nhân dân tiếp nhận, vận dụng và nêu cao, nó trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc, thành vũ khí của nhân dân trong cuộc đấu tranh chống lại các hiện tượng tha hóa về đạo đức của xã hội như: quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, ức hiếp quần chúng…
Cùng với tư tưởng đạo đức, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là một đóng góp có giá trị vào triết học về con người của chủ nghĩa Mác – Lênin. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là lý tưởng chính trị, lý tưởng đạo đức và cũng là lý tưởng nhân văn của Người.
Tư tưởng nhân văn của Người được biểu hiện vô cùng đa dạng và phong phú, nó thấm đậm trong toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Người, được tỏa sáng trong từng việc làm, từng cử chỉ, từng mối quan tâm ân cần đối với con người, tất cả đều tót lên tình thương yêu, sự tôn trọng, thái độ bao dung và niềm tin vào khả năng cải tạo của con người, dù cho họ có một thời lầm lỗi. Tư tưởng này được quán triệt trong chủ trương chính sách, trong lời nói và việc làm, trong việc quan tâm đến con người và hoài bão của người đối với sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng con người và xã hội.
Chủ nghĩa nhân văn là bản chất cốt lõi, là kết tinh của văn hóa, và chính Người được cả loài người suy tôn là danh nhân văn hóa thế giới.
Có thể nói, tư tưởng của Hồ Chí Minh về đạo đức và nhân văn là một bộ phận quan trọng, một nét đặc sắc trong toàn bộ di sản của Người, được thể hiện rất phong phú, toàn diện, sâu sắc, có hệ thống, sát với đặc điểm nước ta và đã có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình rèn luyện, xây dựng Đảng ta, nhân dân ta và xã hội ta. Tư tưởng đạo đức, nhân văn Hồ Chí Minh là kết tinh của truyền thống đạo đức nhân văn của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại đã được lý tưởng chính trị Mác – Lênin nâng lên tầm cao mới - trở thành di sản văn hoá của dân tộc và chính Người là hiện thân của nền văn hóa đó.
Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh một cách hệ thống, đầy đủ và toàn diện, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành cuốn sách này. Bằng hình thức hỏi đáp, cuốn sách sẽ làm rõ những nội dung chủ yếu nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, nhân văn. Với cách đặt câu hỏi bao quát, gợi mở, trả lời ngắn gọn, dễ hiểu làm cho nội dung cuốn sách thể hiện tính tiện ích trong quá trình học tập, nghiên cứu.