Nguyễn Hiến Lê là một trong vài học giả của Việt Nam được các nhà trí thức quý trọng về mặt tài học, nhân cách đối với xã hội cũng như trong học thuật. Trong đời cầm bút của mình, ông đã xuất bản được hàng trăm tựa sách với nhiều lĩnh vực: Văn học, Triết học, Ngôn ngữ học, Sử học, Tiểu luận phê bình, Học làm người... Do thành quả lao động nghiêm cẩn của mình, ông được đại đa số công chúng độc giả trân trọng. Những năm 60, 70, Chính phủ Sài Gòn đã trân trọng tặng ông Giải thưởng Văn chương Toàn quốc và Giải thưởng tuyên dương sự nghiệp Văn học nhưng ông đã công khai từ chối.
Ngòi bút Nguyễn HIến Lê, tâm hồn và trái tim ông ngay từ đầu đã thuộc về nhân dân, những người lao động, những người cực khổ, bần hàn. Dẫu đứng ở những góc nhìn khác nhau, ai cũng thấy ở Nguyễn Hiến Lê một điều gì đó gần với tâm trạng dân tộc mình, một cái gì đó thuộc nhân bản con người cầu tiến luôn vươn tới mục đích cao thượng và hoàn mỹ. Nguyễn Hiến Lê luôn coi trọng tư liệu bởi hơn ai hết ông hiểu sự khách quan của một tác phẩm là vô cùng quan trọng. Nó là chiếc cầu đầu tiên nối lòng trân trọng hay sự coi thường, khinh bỉ của độc giả đối với người cầm bút.
Sự đóng góp của Nguyễn Hiến Lê cho nền văn học Việt Nam là hết sức quý báu, mức độ tầm cỡ đến đâu chắc chắn cần phải do thời gian đánh giá đúng mức. Tập hồi ký này có những điểm cần phải tranh luận, nhưng nó vẫn có giá trị sâu sắc.