Cuốn hồi ký đầu tiên của Tô Hoài mang tên Cỏ dại ra đời năm ông mới ngoài hai mươi tuổi. Tự truyện , cuốn tiếp theo, in ra khi ông ở tuổi năm mươi . Nếu cuốn thứ nhất đã phát hiện ra khả năng của tác giả trong việc nắm bắt quá khứ ngay khi nó vừa hình thành cũng như khách quan hoá bản thân biến mình thành một đối tượng miêu tả thì cuốn thứ hai cho thấy ông sống kỹ lưỡng biết bao với đời sống quanh mình , từ chuyện riêng tư đến chuyện làm nghề , rồi chuyện hoạt động cách mạng ,cái gì cũng có thể đưa lên trang giấy để trở thành văn chương , sức chứa của đầu óc ông thật hơn người mà sự chi li tỉ mỉ thì lại ít ai bì kịp . Nên lưu ý thêm Tự truyện --- với mấy mảng chính Một chặng đường , Hải Phòng , Những người thợ cửi -- được viết ngay trong những năm chiến tranh , khi mọi người đang viết những Mặt trận trên cao , Họ đã sống và chiến đấu , Đường chúng ta đi , Dấu chân người lính ... Trong cái động có cái tĩnh , dường như trong kho văn chương của tác giả luôn có một góc riêng dành cho cái mà người xưa hay gọi là dĩ vãng và nó được ông quan niệm như một bộ phận không thể thiếu của hiện tại.
Tuy nhiên , phải đến khi Cát bụi chân ai ( và tiếp đó Chiều chiều ) ra đời thì ngòi bút hồi ký của Tô Hoài mới thật có dịp tung hoành giữa những chuyện đã sống qua để rồi dựng lên ngồn ngộn một bức tranh hoành tráng . Còn nhớ hồi đó là cuối những năm tám mươi . Mọi người dường như đang phải mò mẫm tự xác định hướng đi của mình trong việc thích ứng với cái thời gọi là kinh tế thị trường . Tô Hoài cũng ở trong số đó . Mà -- mọi người tự hỏi --hình như ông lại là một trong những người đã ăn chịu quá sâu với cái thời bao cấp ấy nữa , ở tuổi bảy mươi liệu ông sẽ xoay sở ra sao hay sẽ chìm vào quá khứ . Lẳng lặng , Cát bụi chân ai được viết , để rồi gây ra nhiều ồn ào khi được trích đăng trên báo Tiền phong và in thành sách . Trong lòng bạn đọc và nhất là trong lòng đồng nghiệp , Tô Hoài như vừa tái sinh để trở lại với cái thời lẫy lừng uy tín . Điều thú vị là ở chỗ cuốn sách để Tô Hoài tự phát hiện lại này là một cuốn sách quay đầu về với cái cũ . Cái đời sống sắp tới chẳng có gì là lạ với tôi . Tôi đã có cái nhìn khác từ lâu rồi . Thời nào thì tôi vẫn cứ là tôi vậy. Có một quá khứ chưa ai biết của tôi bảo đảm cho điều đó ... Tô Hoài không nói hẳn ra song người ta đọc ra trong trang viết của ông những ý tưởng ấy . Cuốn sách kể lại chuyện cũ hoá ra lại là một lời tuyên bố về sự gia nhập của tác giả vào tương lai và như vậy thì mọi sự phân biệt hồi ký với cuộc đời hôm nay chỉ là một sự ước lệ . (Vương Trí Nhàn)