Từ lâu, trong gia đình truyền thống Việt Nam, người cha có vai trò quan trọng đối với việc giáo dục con cái, tuy người mẹ luôn có một ảnh hưởng không nhỏ đến sự trưởng thành của các con (trai và gái).
Hồ Chí Minh - "Vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam, một nhà văn hóa lớn" (UNESCO), đồng thời là một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc - xuất hiện, hoạt động cũng bị chi phối bởi mối quan hệ nêu trên. Do đó, tìm hiểu về các cụ thân sinh của Bác Hồ - Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan - cũng như những người thân trong gia đình là điều cần thiết để nhận thức đầy đủ, chính xác hơn về Hồ Chí Minh và tư tưởng của người.
Cuốn sách này là một đóng góp đáng hoan nghênh về việc góp phần tìm hiểu cụ thân sinh Bác Hồ. Vấn đề khó, vì cuộc đời, hoạt động của cụ Sắc trải dài từ Nghệ An đến Huế, Bình Định, Sài Gòn (nay là Tp. Hồ Chí Minh) và các tỉnh Tây Nam Bộ (chủ yếu ở tỉnh Đồng Tháp ngày nay). Không chỉ địa bàn mà lĩnh vực hoạt động của cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng rất đa dạng và phong phú - một người con rể, một người chồng, người cha trong gia đình, bạn bè, đồng chí với các nhà yêu nước, một nhà nho, một thầy đồ có nhiều môn đệ, một vị quan nhỏ, cảm thấy là "một kẻ nô lệ trong đám người nô lệ", một người sống gần gũi với nhân dân, được đồng bào yêu thương. Và có lẽ điều cao quý nhất là "người cha của Hồ Chí Minh". Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, chúng ta cũng thấy có điểm hợp lí khi có người nói "Phan Bội Châu đã để lại cho nhân dân Việt Nam một tinh thần yêu nước nồng nàn, sôi động; Nguyễn Sinh Sắc cống hiến cho dân tộc một lãnh tụ tài ba".
Mục lục:
Mở đầu
Phần thứ nhất: Dân tộc, quê hương, gia tộc, thời đại sinh sống của Nguyễn Sinh Sắc
Phần thứ hai: Cuộc đời và hoạt động của cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Phần thứ ba: Nhân dân miền Tây Nam Kỳ đối với cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Phụ lục