Phần “Phong tục sử” chép các vấn đề về lịch sử phong tục Việt Nam, chế độ tổ chức xã hội, quan chức, phẩm phục, binh phục, luật lệ, tập quán v.v… từ đời Hùng Vương đến đời Chiêu Thống.
Về tổ chức xã hội có phân định các xã, châu, huyện. Chia thiên hạ ra làm mười hai bộ, thiết lập các An phủ sứ phó v.v… xã quan để cai trị.
Quan chế thì đặt ra các chức quan, thậm chí định rõ cả cách xưng hô như thân vương gọi là điện hạ, tự thân vương gọi là phủ hạ, công hầu phò mã và nhất phẩm gọi là các hạ v.v…
Quan phục, binh phục thì từ đời nhà Lý đã đặt ra các kiểu quần áo mũ mãng của quần thần văn võ, rồi đến xe ngựa và lọng của các quan. Về tổ chức quân đội đã định ra từng đơn vị như cả nước có mười đạo, mà đạo gồm mười quân, quân gồm mưỡi lữ, lữ gồm mười tốt, tốt gồm mười ngũ, ngũ có mười người v.v…
Về kỷ luật kho tàng thì cấm cả các quan trong triều cũng không được qua mọi chỗ kho tàng. Kẻ nào phạm vào kho và kẻ coi kho để người khác vào được đều bị tội chết.
Về tài chính nhà Trần dùng tiền giấy. Hồ Quý Ly định phép in tiền như: mười đồng vẽ cây rong, ba mươi đồng vẽ sóng nước. Một mạch vẽ mây, hai mạch vẽ rùa v.v… Rồi chép cả việc định thuế ao đầm, bãi dâu, sản vật rừng núi v.v…
Tập quán phong tục còn ghi cả việc mùa xuân không được chặt cây. Cấm phụ nữ trong kinh thành không được bắt chước trang phục trong cung vua v.v… Cùng những điều răn dạy đối với xã hội và binh lính. Những lần dụ cấm đạo ia-tô v.v… Đó là nội dung đại lược.