Về cách viết, những bài trong sách này không thể theo một phong cách nhất quán. Các thầy từ thế kỷ XIX trở về trước, viết theo lối kỷ thuật, có vận dụng phương pháp kê cứu nhưng cố tránh thành tài liệu biên khảo. Cũng không thể xây dựng thành những trang truyện ký theo bút pháp các truyện danh nhân. Viết như thế, mỗi thầy giáo có thể là đề tài cho một cuốn sách. Để cho việc kỷ thuật được sinh động, tác giả đã kết hợp đưa một số bài đọc thêm, để minh hoạ hành trạng hay ảnh hưởng các thầy đó. Bài đọc thêm (và một vài bài chính khác), số ít là khai thác từ các gia phả, hoặc các bài của các nhà nghiên cứu, các bạn nhà văn nhà giáo mà tác giả có quen biết, và cũng đã xin phép các anh. Còn đa số đều là các bài trích đã in trong nhiều sách (thuộc nhiều thể tài), nhiều kỷ yếu...
Những bài đề cập đến các thầy ngoài khối chữ vuông, thì vừa vận dụng phương pháp nói trên, lại còn có những trang hồi ký, ký sự của bản thân tác giả. Với các vị ở thời kỳ trước và sau 1945, tác giả là người cùng thời, là học trò, là bạn của họ, đã được phần giữ gìn hoặc được chia sẻ những kỷ niệm giảng dạy hay nghiên cứu. Tác giả đã cùng các thầy, các bạn gắn bó với ngành. Họ vẫn để lại trong ông nhiều ấn tượng, nhiều cảm tình thân thiết ...