Những Đóng Góp Của Hoan Châu Ký
Giá Trị Văn Học
Trước Hoan Châu Ký lịch sử tiểu thuyết cổ Việt Nam chứng sự thành công trên từng mức độ khác nhau của các tác phẩm, Việt điện u minh tập, Lĩnh Nam chích quái liệt truyện, Truyền kỳ mạn lục..., còn thể loại truyện dài văn xuôi viết theo kiểu chương hồi, trong lịch sử tiểu thuyết cổ thì phải đến thế kỷ 17 mới được thiết lập, với sự ra đời của Hoan Châu Ký. Tác phẩm khá thành công trong việc sử dụng tiếng Hán cổ, dùng khá đắt cấ điển tích Việt Nam, Trung Quốc, xây dựng được các cuộc đối thoại sinh động, hấp dẫn như cuộc đối thoại giữa Nguyễn Cảnh Hoan và Nguyễn Quyện...
Với cách diễn tả, bằng ngòi bút trung thành với hiện thực, tác phẩm phơi bày những mâu thuẫn, sự lục đục thối nát của chế độ phong kiến đương thời, trong đó có những con người mà các thế hệ của dòng họ Nguyễn Cảnh vẫn tôn thờ.Những ngờ vực của Lê Duy Bang và Trịnh Tùng,việc tranh ngôi báu dẫn đến cái chết thảm khốc của Trịnh Xuân... Ngay đến những chuyện đau lòng trong nội bộ dòng họ, việc Thụy trung hầu Nguyễn Cảnh Hải nhân lúc ốm nặng đã lấy trộm hài cốt Nguyễn Cảnh Hoan cải táng nơi khác, hay như Nguyễn Cảnh Kiên bị những em ruột tố cáo có đi lại với Nguyễn Hoàng, khiến Trịnh Tùng phải tổ chức hội thề... Những sự kiện như trên Hoan Châu Ký cũng không hề im lặng.
Giá Trị Lịch Sử
Những bộ quốc sử như Đại Việt sử ký toàn thư hay Trung hưng thực lục chép về giai đoạn Lê -Trịnh đều đề cao họ Trịnh, hạ thấp vua Lê thậm chí những chỗ họ Trịnh phản lại vua Lê sử cũng xuyên tạc để ca ngợi. Thật giả lẫn lộn chưa bao giờ tồi tệ như lúc này, vì các nhà làm sử đều là người đứng về họ Trịnh chứ không phải theo dư luận công chúng. Hoan Châu ký là một cuốn gia phả, một tập sử tư nhân viết về giai đoạn Lê trung hưng, tác phẩm ra đời góp phần điều chỉnh những thiên kiến trên của quốc sử, giúp người đời sau hiểu thêm về xã hội thời Lê-Trịnh dưới cách nhìn khách quan.
Ngày nay so sánh Hoan Châu ký và Bản Kỷ Tục Biên chúng ta thấy Hoan Châu Ký chép được nhiều sự kiện mà quốc sử bỏ sót, như năm Vĩnh Tộ thứ tám, Bính Dần(1626) Thanh Đô Vương lấy Đô đốc Đồng trị Thắng quận công Nguyễn Cảnh Hà tiến đánh họ Mạc ở Cao Bằng. Một số văn kiện hành chính cấp nhà nước không thấy chép trong Bản Kỷ Tục Biên nhưng lại có trong Hoan Châu Ký: tờ biểu Lê Bá Ly xin vua Lê kéo quân ra Bắc đánh Thăng Long, tờ biểu Phùng Khắc Khoan gửi vua Minh khiếu nại về cái chức "An Nam Đô thống sứ", bức thư mật Trịnh Tùng dụ con là Trịnh Xuân vào chầu, sắc văn và chế văn triều đình ban phong chức tước cho những người có công trong dòng họ Nguyễn Cảnh...Không hẳn các văn kiện trên mang tính chất hư cấu, chứng cứ là tờ biểu Phùng Khắc Khoan gưởi vua Minh không được chép trong Bản Kỷ Tục Biên nhưng được chép trong Việt sử thông giám cương muc(chính biên, quyển 30) lời văn so với Hoan Châu Ký chỉ khác vài chữ. Nhiều sự kiện tác phẩm ghi chép tỉ mỉ hơn quốc sử, như sự kiện Trịnh Tùng sai Lê Bá Ly cùng Vũ Văn Mật tiến đánh Thăng Long, những đóng góp không nhỏ của các công thần dòng họ Nguyễn Cảnh thì Bản Kỷ Tục Biên chép sơ sài, Trung hưng thực lục thì không đả động gì tới.