Tháng 4.1942, Phuxich bị cảnh sát phát xít Đức bắt và từ đó, sau nhiều trận tra tấn dã man, chúng đã đem giam Phuxich tại nhà ngục Pancrat, Praha. Biết mình không có hy vọng thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù, Phuxich tha thiết muốn ghi lại cho các thế hệ mai sau những suy nghĩ của mình trong những ngày chờ đợi cái chết sẽ đến.
Trong số những người coi ngục tại nhà lao Pancrat, có một người Tiệp Khắc tên là Côlinxky. Thông cảm với nguyện vọng thiết tha của người tù, Côlinxky đã lén lút cung cấp cho Phuxich những mẩu giấy và bút chì, và viết được đến đâu, người coi ngục Côlinxky lại tìm cách chuyển ra khỏi nhà lao và trao cho bạn bè của Phuxich. Thời gian trôi qua, tác giả viết xong trang cuối cùng thì bị đưa đi hành hình, những mẩu giấy kia đã chuyền qua tay nhiều người, phân tán ở nhiều địa điểm khác nhau.
Sau ngày Tiệp Khắc được giải phóng (1945), trong số những người tù sống sót và được trở về quê hương, có Guxta Phuxicôva – người vợ và người đồng chí của Phuxich. Được biết trong thời gian bị giam giữ, chồng bà có viết, bà bắt đầu đi tìm kiếm bút tích của người chồng đã hy sinh. Cuối cùng, bà đã thu thập được toàn bộ bản thảo phóng sự Viết dưới giá treo cổ và cho xuất bản lần đầu tiên vào mùa Thu năm 1945.
Nhân vật trung tâm của cuốn sách chính là tác giả – nhà văn và người anh hùng Giuliux Phuxich – người đã trực tiếp đương đầu với mọi cực hình của bọn mật thám Gextapô. Trong cuộc chạm trán này, bọn mật thám phát xít nham hiểm hiện nguyên hình là những “con phỗng mặt người dạ thú” với nỗi tuyệt vọng trước số phận của chủ nghĩa phát xít. Ngược lại, các chiến sỹ cộng sản, dù sống trong lao tù, nhưng luôn luôn là những người dũng cảm, kiên cường, lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản. Cuốn sách chia làm 8 chương ngắn gọn, mỗi chương là một bức tranh chân thực, sinh động và súc tích về bộ mặt thật ghê tởm của chế độ nhà tù và về những phẩm chất cao đẹp của các chiến sỹ cộng sản Tiệp Khắc, về cuộc đấu tranh đầy gian khổ và hy sinh của họ vào lúc lịch sử đất nước trải qua bước gian nguy.
Bản thảo Viết dưới giá treo cổ tuy không được gọt giũa, trau chuốt theo cái nghĩa thông thường của nghề văn, tuy vậy, từng lời từng ý văn cũng như toàn bộ bố cục của cuốn sách như đã được sắp xếp một cách hết sức chặt chẽ trong tư duy của tác giả, cho nên cuốn sách là một tác phẩm hoàn chỉnh cả về hình thức cũng như nội dung và có một sức hấp dẫn lạ thường. Ngay từ khi xuất bản, cuốn sách đã gây một tiếng vang đặc biệt không những trong đời sống văn học Tiệp Khắc mà cả trong giới bạn đọc trên thế giới. Đến nay, tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản tới 200 lần ở khắp các nước.