Sơ lược về tác phẩm:
Vũ Trung tùy bút là một tập truyện ký bằng chữ Hán. Truyện về các danh nhân, những nhân vật phi thường trong lịch sử xảy ra ở cuối đời Lê, và ghi chép các cuộc du lãm, những nơi có danh lam thắng cảnh nổi tiếng.
Đây là một tác phẩm nằm trong bộ sách cảo thơm những tác phẩm cổ của văn học Việt Nam. Thông qua tủ sách này bạn đọc sẽ cảm nhận được vẻ đẹp của tâm hồn con người Việt Nam, sức sống và cá tính của dân tộc Việt Nam, cùng với cái hay, cái đẹp của tiếng Việt và văn chương Việt Nam. Để phản ánh đúng những thành tựu của văn học dân tộc, người thực hiện cố gắng cung cấp cho bạn đọc những văn bản được in lần đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Lần đầu tiên, Vũ Trung tùy bút được nhà nghiên cứu lịch sử và văn học dân tộc Nguyễn Hữu Tiến hiệu là Đông Châu dịch ra tiếng Việt. Cho đến nay, bản dịch này được xem là tốt nhất. Bản dịch đăng trên Tạp chí Nam Phong số 121 tháng 9 năm 1927.
Nhận định:
"Đọc tác phẩm của Phạm Đình Hổ ta thấy có chiều sâu của người uyên thâm Hán học, có chất lịch thiệp của người trải đời, có cái ngạo nghễ, hóm hỉnh của bậc hàn nho thanh bạch, có cái tinh tế của trí thức kinh kì biết thưởng thức ăn chơi..." - Nguyễn Đăng Na
"Qua Vũ Trung tùy bút, người đọc nhất là người muốn nghiên cứu văn hóa, văn học, lịch sử, địa lý, phong tục Việt Nam giai đoạn cuối đời Lê sẽ thu thập được những điều bổ ích và thú vị, đặc biệt là những điều mà trong lịch sử không thấy ghi chép, sẽ gây cho người đọc sự ngạc nhiên, thích thú." - Đàm Ánh Loan