Năm 1950, ta chuẩn bị đánh quét giặc Pháp ra khỏi đường số 4 và giải phóng biên giới Việt - Trung. Bác quyết định đi thăm mặt trận.
Để Bác đi đỡ mệt, chúng tôi làm một chiếc cáng. Gọi là "cáng" cho vui, chứ sự thật chỉ là một tấm vải thô, hai đầu cột chặt vào một đoạn tre, một người có thể nằm để hai người khiêng. Nhưng Bác bảo thôi không dùng đến.
Bác cùng chúng tôi đi bộ từ phủ Chủ Tịch ở Tuyên Quang đến mặt trận biên giới, rồi đi ngược đến tỉnh lị Cao Bằng, công việc xong lại trở về Tuyên Quang.
Xin thưa rằng, trong câu chuyện này nhiều danh từ chỉ có nghĩa thô sơ thôi. Như "phủ Chủ tịch" chỉ là một túp nhà sàn, bốn bề không phên không vách, làm ở trong rừng, xây dựng một ngày là xong; ở vài tháng rồi lại dời đi nơi khác.
Đối với chúng tôi, cuộc đi này thật vất vả nhưng cũng thật thú vị.
Đi theo Bác có: một tiểu đội bảo vệ, một thầy thuốc - Bác sĩ Chân, đồng chí Thành với tôi, T.Lan. Muốn đi nhanh bác cho đội bảo vệ đi trước vài mươi phút, rồi Bác và ba anh em chúng tôi đi sau.
Để tránh máy bay địch, chúng tôi khi thì đi ban đêm, khi thì đi đường rừng. Sáng dậy đi thật sớm. Đến trưa, hễ gặp một ngọn suối trong, có cây cao bóng mát, có những tảng đá to, Bác thường bảo dừng lại. Dở cơm nắm ra ăn với thịt Việt Minh (một cân thịt vằm với một cân muối và một cân ớt). Ăn xong, mỗi người nằm nghỉ lưng trên một tảng đá, tha hồ mà "vui thú lâm tuyền". Nghỉ một tiếng đồng hồ rồi lại tiếp tục đi.
Phần thì để giữ bí mật; phần thì không muốn làm phiền đồng bào, mỗi tối, chúng tôi thường đóng quân ở một ngôi đình, ngôi chùa, hoặc một cái lán bỏ hoang. Mấy đống lá cây, phủ thêm mấy tấm vải bạt, ở giữa đốt bếp lửa, thế là thành "hành doanh" của đội "phụ tử binh" chúng tôi...