Độc giả được khám phá vùng cao nguyên bí ẩn, giàu có di sản văn hóa của dân tộc Mnông- một tộc người thiểu số thuộc nhóm Môn – Khmer, cư trú ở vùng Nam Tây Nguyên tại các huyện Lăk, Krông Bông, Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk; huyện Krông Knô, Cư Jut, Dăk Mil, Đăk Song, Đăk Rlấp... (Đăk Nông); huyện Phước Long và Bù Đăng (Bình Phước); huyện Lạc Dương, (Lâm Đồng) và một số khu vực giáp biên giới Việt Nam thuộc tỉnh Mondonkiri (Cam-pu-chia).
Người Mnông được các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước chú tâm nghiên cứu, bởi đây được coi là một dân tộc bản địa, cư trú lâu đời tại vùng đất Nam Tây Nguyên hay còn gọi là cao nguyên Mnông.
Tập sách ảnh này có 6 chương: “Nguồn gốc và phân bố dân cư”; “Voi Mnông”; “Bản làng, nhà ở”; “Nguồn sống”; “Y phục và trang sức”; “Phong tục, lễ hội”. Sự kết hợp giữa các trang viết và hình ảnh minh họa là nét độc đáo nhất trong phong cách thể hiện của tập sách ảnh. Những thành tố của văn hóa truyền thống dân tộc Mnông được nêu bật một cách cô đọng. Chương “Voi Mnông” khắc họa hình ảnh các gru săn voi, bộ công cụ săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, những chú voi con, các nghi lễ cúng voi trong đời sống. Chương “Bản làng”, nhà ở miêu tả về làng cổ truyền với kết cấu, môi trường, tập quán cư trú và những loại hình nhà cửa như nhà dài, nhà sàn, nhà trệt, kho lúa, cách thức bố trí, sinh hoạt trong mỗi ngôi nhà.
Chương “Nguồn sống” phản ánh công việc sản xuất kinh tế nương rẫy, trồng trọt, chăn nuôi, khai thác tự nhiên như đánh bắt cá, săn thú, bẫy chim, thu hái hoa quả trong rừng, nghề thủ công như dệt vải, đan gùi, làm thuyền độc mộc, ẩm thực dân gian với rượu cần và các món ăn chế biến đậm hương vị núi rừng như canh bồi, cơm lam, thịt nướng...
Chương “Y phục và trang sức” khắc họa lại bản sắc tộc người với y phục và trang sức của nam giới và phụ nữ, trong đó tiêu biểu là áo rhap, khố của già làng, thanh niên trai tráng, váy hoa của phụ nữ, áo choàng. Đặc biệt, các món trang sức như vòng bạc, vòng đồng đeo cổ, đeo cổ chân, cổ tay, khuyên tai bằng ngà voi, lục lạc...
Chương “Phong tục, lễ hội” thể hiện một số lễ hội tiêu biểu về vòng đời như Lễ kết nghĩa anh em, lễ cưới, lễ tang... và lễ nghi nông nghiệp như lễ cúng lúa đầy bồ, lễ Tâm ngết... của người Mnông. Trong chương này, những loại hình nghệ thuật diễn xướng như cồng chiêng, diễn tấu nhạc cụ bằng tre nứa, múa, trò chơi dân gian của tộc người cũng được nêu bật khá đầy đủ.
Sách ảnh “Người Mnông ở Việt Nam” là một tập sách có giá trị về nội dung và hình thức, trang bị cho người đọc những hiểu biết cơ bản về tộc người có dân số khá đông của tỉnh Đăk Nông, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng dân tộc Mnông.
(theo baodantoc.vn)