Giản dị chỉ có vậy, những tấm ảnh đen trắng hóa thạch ngày ấy, thời ấy của trẻ em miền Bắc Việt Nam. Đôi mắt thơ bé chưa kịp quen với hình ảnh quê hương, đất nước đã phải nhìn bom đạn Mĩ phá nát hình hài ngôi nhà Tổ quốc. Ngày ấy, những bài học đầu tiên của thời niên thiếu là đào hầm trú ẩn, hào giao thông, bện mũ rơm, tập cứu thương và tập đọc tập viết trong lòng đất. Ngày ấy, lịch sử có sự lựa chọn, đặt để kì lạ cho cậu bé thần đồng Trần Đăng Khoa làm cuốn sử kí bằng thơ từ góc sân nhà mình, hòa điệu trong trẻo với trời đất từ con mắt thơ của thế hệ mình, những đứa trẻ thời chiến từ khi mới lọt lòng, giời chứng sống cho tự lớn, tự biết mà thành người trong bom đạn.
Sự ẩn cất tiểu sử cá nhân của các cô bé, cậu bé thời chiến tranh hé lộ thật tình cờ qua những tấm ảnh. Một miền kí ức xanh biếc của tuổi thơ gian khổ ăn đói mặc rét vẫn nguyên nét đen trắng viết sử mạch lạc về tâm hồn Việt được giữ lại miên viễn trên từng gương mặt và ánh mắt thiên sứ của các bé em trong ảnh.
Lí tưởng thẩm mĩ và nghệ thuật Việt hiện đại nảy nhánh vô thức và khỏe khoắn kì lạ từ những đứa trẻ đội mũ rơm ở những làng quê nơi sơ tán với tiếng đàn ẩn hiện sau lũy tre, bức tranh tươi nắng trên cánh đồng và vẻ đẹp hình thể của nghệ thuật múa ba lê cổ điển giữa cỏ xanh hoa dại...
Ngày ấy, thời ấy khó cũ. Tôi thèm soi lại nét thơ dại của mình xưa vào những khuôn mặt đẹp đẽ như những tấm gương trong trên từng tấm ảnh.